Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 6 tháng đầu năm 2022 khoảng trên 1.135 tỷ đồng, trong đó: vốn từ ngân sách nhà nước trên 453 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cho các xã hơn 122 tỷ đồng; vốn tín dụng 420 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế: 17,5 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: 122 tỷ đồng. Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình nông thôn mới 221,62 tỷ đồng.
Đến nay tỉnh Hòa Bình toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,4% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh đạt 15,67 tiêu chí/ xã (tăng 0,07 tiêu chí so với thời điểm 31/12/2021), có 20 xã nông thôn mới nâng cao, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 22 sản phẩm 4 sao và 78 sản phẩm 3 sao.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM còn gặp phải một số khó khăn như: Nguồn đầu tư hỗ trợ từ Trung ương cho các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ chậm, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư phát triển, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tiến độ hoàn thiện các tiêu chí ở các xã phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới; Do sáp nhập đơn vị hành chính nên các xã phải rà soát lại các tiêu chí NTM; sản phẩm tham gia chu trình OCOP hàng năm còn hạn chế về quy mô, sản lượng, chất lượng...
6 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; Chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân.
Trong đó, tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục truyền thông sâu, rộng về xây dựng NTM, thường xuyên cập nhật thông tin, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến và nhân rộng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và của các cơ quan có liên quan. Hướng dẫn, chỉ đạo các nhóm xã thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2022 cần rà soát, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình và cân đối, huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí đảm bảo hoàn thành trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng trên địa bàn xã. Đối với các xã được sáp nhập từ các xã đã có Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, có kế hoạch, lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã kiểu mẫu. Đối với các xã được sáp nhập từ xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại: Rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí nông thôn mới; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; chủ động huy động có hiệu quả các nguồn lực, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, tiêu chí, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn những năm tiếp theo. Tiếp tục huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình MTQG xây dựng NTM, có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; Huy động các nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới./.