DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Ổn định dân cư, phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân sông Đà

26/06/2015 00:00
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân lòng hồ thủy điện. Cụ thể là Đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà qua các giai đoạn, nay là thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

 Tỉnh Hòa Bình có 6 dự án thủy điện, trong đó việc di dời tái định cư tập trung chủ yếu tại vùng hồ Sông Đà để xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình. Thực hiện việc di, giãn dân, tái định cư theo quy hoạch đã tạo mặt bằng để ổn định đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, mang lại hiệu quả xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng hồ sông Đà. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 36%, thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/người/năm…

Từ năm 1995 đến nay, hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của các xã vùng hồ đã phát triển khá, góp phần làm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Trước đây bà con chủ yếu trồng cây lương thực truyền thống, thì nay chuyển sang các loại giống cây trồng mới, trồng các loại cây kinh tế, kết hợp phòng hộ, trồng rừng, cây công nghiệp, chè, mía nguyên liệu. Ở các địa phương đã hình thành một số hoạt động công nghiệp nhỏ nông thôn như xay sát, chế biến lâm sản từ việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Ngoài ra, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng, phát triển tiểu thủ công nghiệp đã góp phần ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, người dân được trực tiếp hưởng lợi từ các công trình dự án đầu tư như: xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình nước sạch, điện sinh hoạt, giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học đã góp phần thay đổi đổi nhịp sống, nâng cao dân trí, thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống của người dân. Hiện nay, 80% số hộ dân vùng tái định cư đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; đã có trên 80% số làng, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú. Đặc biệt, nhân dân đã có ý thức hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ rừng ở vùng hồ trên 55%.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, đề án phát triển sản xuất cũng như ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư sông Đà còn rất nhiều khó khăn: sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chậm phát triển; trình độ thâm canh, khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu chưa đồng bộ; tỷ lệ các hộ nghèo còn cao, các công trình trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, các công trình dân sinh khác cần được sửa chữa, nâng cấp, một số phải làm lại. Cùng với đó, tiềm năng lợi thế về du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản khai chưa khai thác hiệu quả; nguy cơ giảm tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng luôn tiềm ẩn…

Giai đoạn (2015- 2020), tỉnh Hòa Bình sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp về di dân, tái định cư, đầu tư phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng tái định cư. Trong đó, đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân sông Đà sẽ sẽ tập trung di chuyển các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt sở, lũ quét đến khu tái định cư và tạo điều kiện cho các hộ có đất ở, đất sản xuất đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững. Cùng với đó là việc huy động nguồn vốn để phát triển kinh tế ổn định như: trồng rừng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và trên hồ theo hướng sản xuất hàng hóa; thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm phát triển bền vững cho nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới./.