Xóm Tháu, xã Thái Thịnh (thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) chỉ cách nhà máy thủy điện Hòa Bình, một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất miền Bắc quãng đường chim bay chưa đầy 2 km. Thế nhưng đã từng có những quãng thời gian hơn 20 năm, 68 hộ dân trong xóm đã phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện lưới. Là một vùng ốc đảo, khó khăn trong việc đi lại, cộng với việc vài chục năm không có điện đã khiến sự học hành ở xóm Tháu bị người ta quên lãng.
Muốn học thì phải tự chèo thuyền
Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh, ông Nguyễn Văn Lành cho biết, hàng chục năm trước đây, xóm Tháu còn là đất liền, vốn là một bản trù phú, nơi sinh sống của nhiều người dân tộc Mường. Khi Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình ngăn đập tích nước, xóm Tháu trở thành một ốc đảo, bị biệt lập giữa lòng hồ. Hàng chục hộ dân xóm Tháu đã di chuyển lên các quả đồi xung quanh nhưng một số hộ dân thì vẫn bám trụ lại.
Cả xóm có 68 hộ phân bố rải rác quanh các quả đồi dốc dựng đứng, hoặc sống quanh các mép nước. Để vào xóm, phương tiện duy nhất người ta dùng là thuyền nan. Người dân ở đây không muốn con em mình học mẫu giáo mà sẽ "vượt cấp": cho đi học lớp 1 khi tuổi đã lên 7, 8. Theo ông Nguyễn Văn Lành: "Do mải làm nghề đánh cá, vớt củi mà nhiều gia đình không có thời gian chở con đi học mẫu giáo. Quãng đường từ xóm đến trường mẫu giáo không xa nhưng phải di chuyển trên sông nước, nếu nhà có một cháu đi học thì phải có một người lớn đưa đón nên bất tiện. Người ta bỏ qua chương trình học mẫu giáo mà đợi đến khi trẻ em đã biết chèo thuyền thì cho đi học thẳng lên lớp 1". Cũng theo ông Lành, vì lí do này, ở xóm Tháu có nhiều học sinh đã học hết lớp 2 rồi mà không biết đọc, biết viết do không có nền tảng ở các lớp vỡ lòng.
Đã hai năm nay gia đình anh Dung vẫn loay hoay bàn chuyện không biết nên cho con cái học mẫu giáo ở đâu. Vợ anh đã sinh 2 cháu gái, một cháu 4 tuổi và một cháu 2 tuổi. Anh cho biết, nếu cho cháu đầu đi học mẫu giáo ở dưới trung tâm xã thì anh phải mất đến cả ngày đạp thuyền chở con đi, đón con về. Nhà anh cũng không đủ tiền để gửi con học bán trú dưới thành phố. Anh Dung tính toán, phải đợi 3 năm nữa, khi cháu Nguyễn Thị Duyên cứng cáp chân tay, biết tự đạp thuyền thì vợ chồng anh sẽ cho cháu vào học luôn lớp 1 mà bỏ qua lớp mẫu giáo.
Cũng không cho con đi học, nhưng lý do của gia đình chị Nguyễn Thị Hải đưa ra lại khác. Con trai chị đã đến tuổi đi học nhưng chị muốn cháu theo bố mẹ đi vớt củi vài năm nữa, vì nếu để cháu bé ở nhà thì sẽ không có ai trông, chứ chưa nói đến chuyện đi học. "Mỗi chuyến đi vớt củi mất từ 5 ngày đến 1 tuần, thằng cu con lại mới 4 tuổi. Nếu cho cháu đi học thì lấy ai đưa đón, chăm sóc cho nó những quãng thời gian dài cả tuần như thế. Cho cháu theo bố mẹ mà còn phải một mắt vớt củi nhưng một mắt cũng liếc nhìn nó chơi, đề phòng cháu lăn xuống sông", chị Hải nói.
Mỗi tháng, vợ chồng chị đi ngược sông Đà được 4 chuyến củi, mỗi chuyến lãi 200 ngàn. Phân nửa số tiền trên, chị đã phải để dành gửi cho đứa con đang được gửi đi học mãi tận nhà một người thân tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), xa nhà đến cả 60 cây số. Với đứa con út, chị cũng đã tính đến chuyện gửi con về nhà ông bà cho cháu học, nhưng mấy lần chị lên bờ tìm đến trường mầm non của xã để hỏi học phí và các khoản khác cho con theo học thì nhận thấy tiền học quá cao so với thu nhập của vợ chồng. Chị Hải ngậm ngùi: "Có lẽ đôi ba năm nữa tôi mới đủ tiền cho con đi học mẫu giáo, mà đến lúc ấy thì nó cũng đã đủ tuổi vào học tiểu học rồi".
Trả lời câu hỏi hiện nay ở xóm Tháu có bao nhiêu trẻ em đang ở độ tuổi đi học và có bao nhiêu em bỏ học trong độ tuổi ấy, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Lành cho biết: "Hiện tại xóm Tháu có 68 hộ nhưng chỉ có một nửa đăng ký hộ khẩu, phần còn lại chỉ tạm trú nên chúng tôi không thể thống kê đầy đủ. Chúng tôi đã từng thăm dò bằng cách đến trường mầm non của xã để thống kê. Các cô nuôi dạy trẻ ở đây cho biết, số trẻ ở xóm Tháu theo học mầm non ít đến mức đếm chưa đầy ngón tay". Theo ông Lành thì sắp tới UBND xã Thái Thịnh sẽ bắt buộc các hộ xóm Tháu phải đăng ký hộ khẩu thường trú để xã thống kê tình trạng trẻ em đi học muộn, từ đó sẽ đưa ra các biện pháp cụ thể, khuyến khích các bậc phụ huynh cho con đi học đúng tuổi.
Sự học bấp bênh
Ở xóm Tháu, khi đã đi học thì chuyện học với học sinh cũng gian nan, vất vả chẳng kém việc đi vớt củi, đánh cá trên lòng hồ thủy điện mênh mông. Các em học sinh trên đường chèo thuyền đến trường thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ tai nạn sông nước. Nhiều năm trước, một số tai nạn đã xảy ra với học sinh do lũ về hoặc gió to làm lật thuyền.
Cô giáo Phạm Thị Kim Hương, Phó hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh cho biết: Nhà trường hiện có 4 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9) với tổng số học sinh 60 em, chủ yếu là người dân tộc Mường. Ngoài số học sinh của các xóm nằm trong vùng hồ, nhà trường còn tiếp nhận học sinh của một số xóm thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc xuống học. Do đặc thù là trường ở giữa vùng lòng hồ nên giờ học của trường được quy định muộn hơn 15 phút so với các trường trên đất liền.
Chị Nguyễn Thị Hải: "Khi nào cháu biết tự chèo thuyền thì lúc ấy mới cho cháu đi học
Học sinh thì thưa thớt, còn nhà trường thì lúc nào cũng lo lắng cho tính mạng của các em. Trước đây đã có một số vụ tai nạn sông nước xảy ra nên nhà trường đã phát cho mỗi em một áo phao. Còn chuyện cứ mỗi lần mưa gió hoặc mùa nước về, học sinh phải nghỉ học là chuyện bình thường.
Em Nguyễn Thị Thắm ở xóm Tháu, học sinh lớp 9A trường THCS Thái Thịnh cho biết, em là con thứ 6 trong một gia đình có 7 anh em. Các anh chị của Thắm đều đã có vợ có chồng, nhưng ai cũng chỉ biết bập bõm mặt chữ, thậm chí có người còn không biết đọc. Cả nhà đều bận việc đánh cá, vớt củi, chăm rừng trồng nên không ai đưa Thắm đi học. Để kịp giờ vào lớp, Thắm và các bạn thậm chí phải dậy từ lúc 5 giờ sáng để đạp thuyền đến trường. Thắm cho biết em sợ nhất là chèo thuyền đi học vào những sáng mùa đông, "Đó là mùa có sương mù dày đặc và có gió to, chèo thuyền rất dễ bị lạc hoặc gặp tai nạn. Có khi đi lạc đến cả tiếng đồng hồ mà không tìm được hướng đến trường", Thắm nói.
Học sinh ở xóm Tháu, cứ dăm ba em lại đi chung một thuyền nan đến trường. Vì đi sông nước nên khó có thể ước lượng quãng đường dài bao xa, nhưng theo các em học sinh trong trường, người ở xa nhất có thể phải đạp thuyền 45 phút mới từ nhà tới được trường. Với một số gia đình có điều kiện kinh tế, con em của họ sẽ đi thuyền máy dịch vụ. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên số trẻ em thuộc những gia đình "dư giả" này trong trường không có nhiều.
Khó khăn là thế, nhưng người dân ở xóm Tháu kể lại chuyện học hành của học sinh ở địa phương này vậy là đã đỡ vất vả hơn so với ngày chưa có điện nửa năm trước đây. Ngày trước, được tiếng là xóm gần nhất với nhà máy sản xuất điện lớn nhất miền Bắc, nhưng hơn 20 năm sau khi nhà máy hoạt động, địa phương này vẫn phải sử dụng đèn dầu. Những gia đình có điều kiện kinh tế và muốn con cái học hành đàng hoàng đều phải "nghiến răng" gửi con từ khi nhỏ về quê sống với ông bà nội ngoại, hoặc gửi ở nhà người thân trong đất liền để tối đến có đèn điện mà học. Anh Lương Văn Giang có một cậu con trai sống với ông bà nội từ nhiều năm nay. Anh cho biết: "Học xong rồi, nó cũng chẳng muốn về nhà mà ở lại luôn nhà ông bà. Bọn trẻ không thích ở đây vì không có điện, không có bạn bè. Cả xóm có mấy đứa cùng lứa thì các cháu đều đã bỏ quê đi làm ăn ở địa phương khác".