Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm từ năm 1989, cô Xa Thị Thủy đã có hơn 29 năm gắn bó với giáo dục vùng cao Đà Bắc và hơn 10 năm tham gia công tác quản lý. Từ giáo viên tại trường PTCS Tân Minh, trường TH xã Cao Sơn rồi làm công tác quản lý tại trường TH xã Cao Sơn năm 2008, cô Thủy luôn thể hiện lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ. Năm học 2016 – 2017, theo sự phân công, cô lên làm Hiệu trưởng trường TH Mường Chiềng. Trong điều kiện có nhiều khó khăn khi phải vượt 60 km đường đèo dốc để đến trường, chất lượng đội ngũ giáo viên của trường không đồng đều, địa bàn xã rộng, trong khi 2 chi trường cách xa nhau, điều kiện KT-XH của địa phương còn nhiều hạn chế nhưng cô Thủy đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, từng bước đưa chất lượng dạy và học của trường đi lên và chú trọng hoàn thiện các tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận công việc tại ngôi trường mới, cô Thủy tâm sự: Khi bắt đầu công việc mới, tôi xác định tư tưởng cho mình đã nhận nhiệm vụ thì phải hoàn thành. Vì vậy, tôi chủ động rà soát, nắm tình hình hoạt động dạy và học của nhà trường. Trong đó, quan trọng nhất là tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh cũng như kết quả, chất lượng học tập của học sinh.
Nhận thấy trường TH Mường Chiềng đang học chương trình theo mô hình trường TH mới nhưng học sinh ở đây chủ yếu là người dân tộc thiểu số, còn nhút nhát nên chưa phát huy được sự mạnh dạn, chủ động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ nhà trường chủ yếu là người địa phương, rất tâm huyết, tuy nhiên trình độ chuyên môn không đồng đều và chưa có phương pháp để kết nối với học sinh một cách hiệu quả. Với quan điểm thầy giỏi trò mới giỏi, cô Thủy đã tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, nâng cao kiến thức, năng lực cho giáo viên. Đối với giáo viên chưa đủ năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô động viên, tạo điều kiện cho đi học tập, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, trường áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy. "Chúng tôi yêu cầu toàn bộ giáo viên phải thành thạo máy vi tính để có thể nắm bắt được những chỉ đạo, văn bản của nhà trường thông qua hệ thống hòm thư điện tử chung, mặt khác để giáo viên soạn bài giảng và có thể tra cứu mở rộng kiến thức phục vụ giảng dạy”, cô Thủy nhấn mạnh. Trong 2 năm, cô đã phát động phong trào viết sáng kiến, giải pháp khoa học ứng dụng trong quản lý, giảng dạy, từ đó thôi thúc đội ngũ giáo viên chủ động nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để áp dụng trong quá trình giảng dạy. Bản thân cô Thủy nghiên cứu, viết sáng kiến "Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học ở trường TH Mường Chiềng”. Đề tài được các giáo viên vận dụng có hiệu quả tại trường. Nhờ triển khai nhiều hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trường TH Mường Chiềng đã có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục nhà trường từng bước được nâng lên. Năm học 2016 - 2017, nhà trường có 99,1% học sinh đạt chỉ tiêu về học tập; 100% học sinh đạt chỉ tiêu về phát triển năng lực, phẩm chất, vượt chỉ tiêu kế hoạch 0,4%; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học cũng là năm có học sinh tham gia thi Olimpic toán, tiếng Việt lớp 5 cấp huyện, giải nhì tiếng Anh cấp huyện.
Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục, cô Thủy cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục. Hiện nhà trường từng bước hoàn thành cơ sở vật chất theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019 sẽ công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Có được kết quả này là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là sự ủng hộ của các bậc phụ huynh.
Với những đóng góp tích cực nhiều năm cho giáo dục vùng cao Đà Bắc nói chung, xã Mường Chiềng nói riêng, cô Xa Thị Thủy đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành Giáo dục huyện Đà Bắc tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Cô cũng là một trong những cán bộ, đảng viên tiêu biểu của ngành giáo dục huyện Đà Bắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
|