Ông Nguyễn Hồng Yến- Phó chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, cơ cấu các trà lúa năm có sự thay đổi mạnh, diện tích trà xuân sớm không đáng kể (dưới 1%), trà chính vụ cũng rất thấp (khoảng 2.800 ha, chiếm gần 20%), còn lại là trà xuân muộn (cấy sau 20/2/2011) chiếm khoảng 80% diện tích. Diện tích lúa cấy tập trung chủ yếu trong khoảng từ 25/02-05/3/2011, cá biệt có gần 1.800ha cấy sau ngày 10/3/2011. Đến nay diện tích trà sớm đang phân hóa đòng, trà chính vụ đứng cái, trà muộn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh. Dự kiến đa số diện tích lúa của tỉnh năm nay sẽ trỗ bông tập trung từ trung tuần tháng 5/2011, do đó cần thực hiện quyết liệt cho khâu chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, trong đó cần chú ý tới sự thay đổi cơ cấu các trà lúa để có điều chỉnh về thời điểm và biện pháp chăm sóc cụ thể.
Với tinh thần chủ đạo, quyết tâm giành vụ chiêm thắng lợi góp phần quan trọng vào việc đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã phân công cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên về cơ sở trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo nông dân tập trung mọi nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ an toàn các trà lúa chiêm xuân. Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chiến dịch toàn dân làm thủy lợi nội đồng, tăng cường công tác chống hạn, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn nước tưới, đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa và cây màu khác. Cùng với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, Chi cục BVTV khuyến cáo nông dân cần thực hiện tốt khâu phân loại đồng ruộng, xác định diện tích và phân bố các trà lúa để tập trung các biện pháp chăm sóc với những nội dung cụ thể sau:
- Đối với diện tích lúa phân hóa đòng: Giữ mực nước ruộng ổn định 3-5cm. Bón thúc đợt cuối, cần đảm bảo đủ tổng lượng phân kali (80-100kg/ha với lúa thuần; 150-180kg/ha với lúa lai, tùy theo chân đất); đối với phân đạm, chú ý dùng bảng so màu lá để bón đủ theo yêu cầu của cây lúa. Có thể sử dụng thêm các loại phân bón lá phù hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
- Đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh: Khẩn trương làm cỏ, bón thúc đạm và kali, giữ mực nước nông (khoảng 3cm) để lúa đẻ nhánh tập trung. Khi đạt số nhánh thích hợp, tiến hành rút cạn nước cho ruộng nứt chân chim để chấm dứt đẻ nhánh, tập trung dinh dưỡng cho các nhánh hữu hiệu sau này.
- Cá biệt trên trà muộn hiện nay vẫn còn những diện tích bị nghẹt rễ, vàng lá sinh lý, đây là tác động chủ yếu do thiếu phân bón hữu cơ trong những năm gần đây và ruộng bị chua. Trên những chân ruộng này, cần hướng dẫn nông dân thực hiện ngay các biện pháp: Tháo khô ruộng, làm cỏ sục bùn, bổ sung phân chuồng hoai mục, rắc vôi bột (khoảng 200kg/ha), bổ sung những loại phân bón lá có chứa các nguyên tố vi lượng như Mo, Mn, Fe, Bo. Sau 5-7 ngày, khi thấy cây ra rễ mới, lá mới thì tháo nước vào khoảng 3cm và tiến hành bón thúc bình thường.
Cùng với việc chăm sóc lúa, nông dân cần chú trọng công tác điều tra phát hiện và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, chú ý các đối tượng: Bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá; tập đòan rầy; bệnh đạo ôn; sâu cuốn lá nhỏ; sâu đục thân; bệnh bác lá, khô vằn. Xử lý các ổ sâu bệnh ngay từ khi mới phát sinh theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật, không để lây lan diện rộng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên các trà lúa trên đồng ruộng đều sinh trưởng, phát triển khá tốt, hứa hẹn một vụ chiêm xuân thắng lợi./.