DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Nội dung thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tễ - xã hội năm 2014; phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 - 2015

26/10/2013 00:00
Sáng ngày 24/10/2013, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hưng Yên thảo luận ở tổ tham gia đóng góp ý kiến vào Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế); Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015). Tại buổi thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã có ý kiến tham gia vào nhiều lĩnh vực cụ thể:
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII, tỉnh Hòa Bình cho rằng, trước diễn biến mới của tình hình, ngay sau Đại hội XI, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội... Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Chính phủ đã quản lý, điều hành quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế tình hình. Đây là những quyết sách kịp thời, đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Báo cáo của Chính phủ đã nêu và nhận định, nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, đồng chí cũng chỉ ra là những chỉ tiêu này đều là những chỉ tiêu vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn sau. “Lạm phát thấp, nhập khẩu giảm, nhập siêu không đáng kể không phải là tín hiệu phục hồi vững chắc của nền kinh tế”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011 - 2013 dự kiến ở mức 5,6%/năm, thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%). Đáng chú ý, sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ trong lúc nền kinh tế khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006 - 2010, dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013. Tình trạng sụt giảm cả về giá và sản lượng tiêu thụ có tác động tiêu cực đến đời sống người dân và tổng cầu của nền kinh tế. Giá lương thực năm 2012 giảm 5%, năm 2013 ước giảm 3% và sản lượng tiêu thụ năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 giảm chủ yếu ở các sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê...

Về mục tiêu giảm nghèo “bền vững”, đồng chí còn nhiều băn khoăn cho rằng khái niệm “bền vững” có thể khiến cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương có lý do để giảm tốc. Để thực hiện mục tiêu này cần tập trung nguồn lực, tăng cường phân cấp cho địa phương, chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo….Về hoạt động của doanh nghiệp, về việc làm, thì tỷ lệ doanh nghiệp không hoạt động giải thể, phá sản, dừng hoạt động hoặc thành lập mới số lượng lớn sẽ liên quan và tác động đến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm diễn ra gay gắt; Liên quan đến hàng tồn kho, liên quan đến giảm, hụt nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi đó vốn vay được các ngân hàng chào mời ưu đãi, dễ tiếp cận, nhưng doanh nghiệp cho rằng không biết vay để làm gì?. Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội còn nhiều mặt khó khăn, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo, tập hợp lực lượng, kích động người dân gây rối của các thế lực thù địch và phản động diễn biến phức tạp. Tình hình an ninh trên các tuyến biên giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định; tội phạm về ma túy, buôn bán người, tình trạng di cư tự do, xuất cảnh trái phép vẫn tiếp diễn….

Từ những vấn đề trên, cho thấy công tác dự báo chưa được chú trọng, chưa được quan tâm, nhất là vai trò của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân, của cộng đồng doanh nghiệp và của nhân dân trong quá trình xây dựng và phản biện chính sách theo quy định. Trong khi đó lại ban hành nhiều chính sách, nhiều chương trình mục tiêu, nhưng thực tế nguồn lực thực tại lại không có, nhiều chương trình mục tiêu chỉ thực hiện được 2%...

Về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tuy có ý kiến khác nhau về mặt được, mặt chưa được, nhưng cơ bản triển khai tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt một số kết quả quan trọng, góp phần làm cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực hơn; tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa bám sát tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt. Chưa có sự đột phá, mới dừng ở các Bộ ngành ở trung ương. Do đó, đề nghị khi tiến hành tái cơ cấu cần quan tâm đến các nội dung như: Cơ cấu nguồn nhân lực; Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, rà soát thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp cho địa phương đi đôi với quản lý chặt chẽ; Tái cơ cấu gắn liền với phát triển kinh tế vùng, lĩnh vực.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vai trò định hướng giáo dục đạo đức, hoạt động văn hóa còn phản cảm của một số chương trình biểu diễn, ảnh hưởng và tác động không nhỏ trong thanh thiếu niên và còn tác động tới mọi tầng lớp nhân dân. Sự kết hợp giữa hai ngành Văn hóa - Thông tin truyền thông trong việc quản lý, liên hoan biểu diễn. Về đào tạo nghề, đào tạo đại học gây lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội, khi đào tạo xong không có việc làm. Đề nghị có sự phối hợp giữa Bộ Lao động , Thương binh và Xã hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo để định hướng đào tạo theo ngành nghề. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, là vấn đề nhức nhối nhưng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng quyết liệt, giảm tối đa các vụ việc an toàn vệ sinh. Đề nghị Nhà nước tổ chức quản lý thống nhất trên các lĩnh vực, tăng cường sự phối kết hợp giữa các ngành để giải quyết, xử lý công việc đạt hiệu quả./.