Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII trên cơ sở chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của nhân dân và tiếp tục được nghiên cứu, chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan ở Trung ương, địa phương và nhân dân cả nước. Đến nay, Dự thảo gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5) tiếp tục được đưa xem xét, thông qua tại kỳ họp thư 6 này. Tại buổi thảo luận ở tổ, đã có 11 ý kiến phát biểu tập trung chủ yếu vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau do Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý:
Về chế độ chính trị, các đại biểu nhất trí cao với tên nước là: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhất trí với Dự thảo, về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Dự thảo lần này quy định rõ ràng và cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; Về quy định thu hồi đất (khoản 3 Điều 54) để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện linh hoạt cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay, tuy nhiên đề nghị dự thảo cần có quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường. Điều 51 (sửa đổi, bổ sung các Điều 15, 16, 19, 20, 21, 22, 23 và 25), các đại biểu thống nhất về sự chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, do vậy cần hiến định vai trò của nền kinh tế nhà nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò trong định hướng, điều tiết nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Điều 114, chính quyền địa phương, nhiều đại biểu có ý kiến, chúng ta thực hiện thí điểm bỏ HĐND đã có nhiều ý kiến khác nhau, giờ chính quyền địa phương là cơ chế quản lý mới, mạnh, đặc thù, nhiều quyền hơn so với HĐND, dễ sinh ra sự so sánh, đơn vị nào cũng muốn chuyển thành chính quyền địa phương. Đồng thời, các đại biểu nhất trí với quan điểm đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phân biệt tổ chức chính quyền đô thị, và chính quyền nông thôn, tổ chức chính quyền phù hợp với các địa phương có tính đặc thù như đặc khu kinh tế, hải đảo tại Điều 111, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên đề nghị cần hiến định cụ thể về tổ chức của chính quyền địa phương tại điều này, tránh quy định ở tầm luật định, sau này khi sửa Luật HĐND và UBND là rất khó.
Về quy định tại Điều 34 (mới) Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Điều 47 (sửa đổi, bổ sung Điều 80) Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định. Các đại biểu cho rằng, quy định còn chung chung, đề nghị dự thảo cần quy định chi tiết và rõ hơn. Về cơ quan Bảo hiến các đại biểu cho rằng không nhất thiết phải thành lâp, quy định như hiện nay là phù hợp, vì người dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, thông qua Quốc hội, HĐND… Quy định như dự thảo cũng đã thể hiện được đầy đủ các quyền nhân dân./.