Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm thống nhất với đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Văn phòng công chứng; khái niệm “tính xác thực của văn bản công chứng” quy định tại Điều 2 nhằm tránh quy định chung chung như dự thảo, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất. Hơn nữa, việc yêu cầu công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực của bản dịch là khó khả thi trên thực tế vì không phải CCV nào cũng đủ trình độ ngoại ngữ để có thể hiểu và chứng nhận được bản dịch. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định này sao cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.
Đại biểu thống nhất quy định tại Khoản 3, Điều 14 dự thảo luật về tuổi hành nghề của CCV là đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị luật cần bổ sung quy định về độ tuổi để được bổ nhiệm CCV lần đầu nhằm tránh tình trạng bổ nhiệm CCV tràn lan, không phân biệt độ tuổi như hiện nay, dễ dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ, công chức đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc già yếu vẫn được bổ nhiệm làm CCV nhưng sức khỏe của họ không đảm bảo để có thể làm việc liên tục theo quy định của Luật công chứng hiện hành, đôi lúc họ không còn minh mẫn để xử lý công việc, do đó phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả, uy tín của hoạt động công chứng.
Đại biểu cho rằng, Khoản 1, Điều 30 quy định, Văn phòng công chứng do một CCV thành lập phải có thêm ít nhất một CCV làm việc theo chế độ hợp đồng là quá máy móc. Vì trong thực tế, có một số Văn phòng công chứng thực hiện rất ít giao dịch trong một năm, lượng khách đến công chứng không nhiều, bản thân Trưởng Văn phòng cũng không thường xuyên có việc làm. Do vậy, trong trường hợp này việc thuê thêm một CCV làm việc là không cần thiết, sẽ làm tăng thêm chi phí, tăng thêm gánh nặng cho tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng: Căn cứ vào số lượng văn bản công chứng thực hiện trong một năm, Văn phòng công chứng do mộtCCV thành lập phải bổ sung thêm CCV làm việc. Nếu thực hiện công chứng vượt quá số lượng văn bản nêu trên trong một năm mà Văn phòng công chứng vẫn không bổ sung CCV thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.
Khoản 3, Điều 55 quy định, đối với một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải do CCV của tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện. Đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp, vì trên thực tế có thể CCV đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu đó nghỉ phép hoặc đi vắng một thời gian thì sẽ xử lý ra sao? Nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ gây bất lợi cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tài sản của họ. Vì vậy, đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng mềm dẻo hơn nhằm bảo đảm quyền về tài sản của công dân.
Việc chia sẻ thông tin trong hoạt động công chứng là nội dung cực kỳ quan trọng, nhưng luật chưa đề cập đến vấn đề này trong khi đây là cách phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trong hoạt động công chứng, đặc biệt là đối với những giao dịch liên quan đến bất động sản. Thực tế cho thấy, các giao dịch về bất động sản trong thời gian gần đây diễn ra khá lộn xộn, nhiều tranh chấp, khiếu kiện đã xảy ra. Nguyên nhân một phần là do thiếu sự gắn kết, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng nên có tình trạng tổ chức này chấp nhận công chứng văn bản cho khách hàng do không được chia sẻ thông tin ngăn chặn nhưng tổ chức khác lại không chấp nhận vì phát hiện ra thông tin ngăn chặn đối với tài sản đó. Vì vậy, nhằm chấm dứt tình trạng này và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng trên toàn quốc, đại biểu đề nghị luật cần bổ sung quy định theo hướng bắt buộc tất cả các tỉnh đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung liên kết giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau. Về quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đề nghị luật cần quy định trong một năm, một công chứng viên được công chứng tối đa là bao nhiêu hồ sơ, nhằm đảm bảo công chứng viên phải đọc kỹ hồ sơ trước khi ký.