DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định đời sống vùng chuyển dân sông Đà

10/01/2013 00:00
Vùng lòng hồ sông Đà có tổng diện tích tự nhiên 78.430ha, nhân dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, làm ruộng một vụ, trồng lúa, ngô và một số cây màu canh tác trên đất dốc. Những năm 1995 trở về trước, vùng lòng hồ sông Đà có trên 50 % dân số rơi vào hòan cảnh nghèo đói, nạn phá rừng làm nương vẫn diễn ra khá phổ biến; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển chậm, tỷ lệ thất học; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, các công trình đầu tư hầu hết có quy mô nhỏ, không đồng bộ, mới có 6/23 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chủ yếu là đường cấp phối, mùa mưa đi lại rất khó khăn và hệ thống điện, cấp nước sinh hoạt hầu như chưa có.

Từ năm 1995 – 2012, đời sống nhân dân ở khu tái định cư đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người năm 1995 chỉ có 0,2trđ/ng/năm, tới nay đã đạt 4,5trđ/ng/năm. Toàn vùng đã xóa hết hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30%, khoản 30% số dân trong vùng Dự án đã làm được nhà mới ở, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được cải thiện và đang từng bước ổn định. Bằng nguồn vốn của Dự án được đầu tư kết hợp với các dự án trên địa bàn, phần lớn diện tích đất trống, đồi trọc đã được trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả, đến nay toàn vùng hồ có khoảng 30.000ha rừng trồng mang lại thu nhập cho người dân và góp phần phòng hộ cho hồ thủy điện  Hòa Bình, độ che phủ rừng ở vùng hồ lên 50%, ý thức trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái của người dân được nâng lên.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, các công trình xây dựng dân dụng góp phần phát triển đời sống kinh tế - xã hội, giao lưu hàng hóa được tăng cường, khoa học kỹ thuật được ứng dụng và đã hình thành một số hoạt động công nghiệp nhỏ nông thôn như xay sát, chế biến lâm sản. Nhiều nhân tố mới về tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi được phát hiện và nhân rộng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8,5 triệu đồng/năm, toàn vùng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 36% (theo tiêu chí mới), khoảng 30% số hộ trong vùng dự án đã làm được nhà ở mới, nhiều hộ đã mua sắm được xe máy và phương tiện sản xuất, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.

Người dân vùng chuyển dân sông Đà đã được trực tiếp hưởng lợi từ các công trình do dự án đầu tư, các dịch vụ mua bán, trao đổi hàng hóa đã đến với các bản, làng vùng cao. Học sinh được đến trường học tập trong những phòng học kiên cố, đủ ánh sáng, góp phần giảm tỷ lệ thất học từ 15 – 20% năm 1995 xuống còn 0,2% năm 2012, trong vùng có 8 trường đạt chuẩn quốc gia.

Các công trình nước sinh hoạt, trạm y tế đã thiết thực nâng cao mức sống của bà con nhân dân, người dân được chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, do đó tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 2,8% (năm 1995) xuống còn 1,14% (năm 2012).

Đặc biệt, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, nhà văn hóa, trạm thu phát lại truyền hình được xây dựng và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhân dân và cán bộ các xã đã được xem báo, tạp chí phát hành trong ngày, phần lớn các hộ dân đã được tiếp sóng xem truyền hình qua vệ tinh. Hiện nay đã có 73% số làng, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.