Vụ đông xuân 2020, toàn tỉnh đã gieo trồng 66 nghìn ha cây hàng năm, vượt 0,7% kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt 33,7 nghìn ha (lúa 15,4 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch, đạt 95,4% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 57 tạ/ha, sản lượng 8,7 vạn tấn; ngô 18,3 nghìn ha, vượt 0,1% kế hoạch và 3,8% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng 8,2 vạn tấn). Tổng sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 17 vạn tấn. Lạc 3,2 nghìn ha, vượt 1,3% so với kế hoạch; đậu tương 150 ha, sắn 8,3 nghìn ha, khoai lang 1,7 nghìn ha, đều đạt 100% kế hoạch, rau đậu các loại 5,7 nghìn ha, vượt 2,4% kế hoạch… Do niên vụ 2018 - 2019 tiêu thụ mía tươi chậm, nhà máy mía đường của tỉnh ngừng hoạt động, giá thu mua mía giảm nên diện tích mía trồng mới thấp hơn các năm, một số diện tích chuyển sang trồng cây trồng khác, hiện diện tích trồng mới đạt khoảng 7,2 nghìn ha, đạt 86,3% so với kế hoạch. Diện tích trồng cây ăn quả có múi đến nay là 11 nghìn ha, diện tích kinh doanh 8 nghìn ha. Có 1,84 nghìn ha đất trồng lúa được chuyển sang trồng các cây trồng khác cho giá trị cao như bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, bí xanh. Hiện, các địa phương tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ xuân để kịp thời giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa, hè thu.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 28/5, toàn tỉnh đã thu hoạch lúa trên diện tích 10.204 ha, đạt 66,2% diện tích. Dự kiến, thời gian thu hoạch lúa sớm hơn so với cùng kỳ 7-10 ngày. Năng suất lúa ước đạt 57 tạ/ha, ngô đạt 45 tạ/ha, tổng sản lượng cây lương thực có hạt ước đạt 17 vạn tấn.
Trong vụ đông xuân 2020, tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, nhiều hiện tượng bất thường; dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của Sở NN&PTNT, các sở, ngành với UBND các huyện, thành phố, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và sự nỗ lực vươn lên của nông dân, kết quả vụ đông xuân năm nay đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo sản xuất, gieo cấy lúa, trồng cây màu trong khung thời vụ, chú trọng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, không để bùng phát diện rộng. Đây là vụ sản xuất cơ bản được mùa, năng suất lúa, ngô tương đương với năm 2019 (năm đạt năng suất cao nhất trong 3 năm trở lại đây).
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi được các địa phương quan tâm thực hiện, trong đó tập trung phát triển vật nuôi bản địa trong chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi công nghiệp trong các cơ sở chăn nuôi lớn. Đề xuất điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp nhu cầu thị trường. Tổng đàn trâu 116 nghìn con, bò 84 nghìn con; lợn 440 nghìn con; dê 51 nghìn con; gia cầm 8 triệu con. Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung công nghiệp hoạt động ổn định, 20 trại nuôi lợn hậu bị quy mô từ 300 - 2.000 con, 19 trại nuôi lợn nái quy mô từ 600 - 1.200 con, 11 trại chăn nuôi dê quy mô từ 60 - 190 con, 11 trại nuôi gà giống và đẻ trứng quy mô từ 4.000 - 50.000 con, 43 trại nuôi gà thịt quy mô từ 1.500 - 40.000 con, 5 trại nuôi vịt đẻ quy mô từ 3.000 - 40.000 con; 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Các địa phương đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi trồng trên các thủy vực lớn; hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản; 33 trang trại và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Tập trung chăm sóc hơn 4,6 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản ước đạt 5,4 nghìn tấn.
Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chức thủy lợi các loại, trong đó 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập. Thường xuyên duy tu các công trình, thực hiện tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất; tích cực triển khai chiến dịch toàn dân làm thủy lợi, đào đắp 270 nghìn m3 đất, phát dọn 1,6 triệu m2 bờ mái, kênh mương, huy động hơn 280 nghìn ngày công tương đương trên 19,57 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão; các công trình thủy lợi, đê, kè, cống được kiểm tra, tu sửa đảm bảo an toàn./.