DetailController

Văn hóa

Nỗ lực của Hội Văn học - Nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới

14/03/2014 00:00
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong đời sống nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình xây dựng Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Hội Văn học - Nghệ thuật đã chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát triển hội viên, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo, nâng cao chất lượng các tác phẩm nghệ thuật.

 Tính đến nay, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 186 hội viên sinh hoạt tại 6 chi hội chuyên ngành: Văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa và văn nghệ dân gian.

Những năm qua, Hội VHNT thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội cho toàn thể hội viên. Bằng các hoạt động thiết thực như mở trại sáng tác, tổ chức các triển lãm, liên hoan cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc,... Hội đã tập hợp được lực lượng, phát huy vai trò, khơi dậy những tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. 5 năm qua (2009 - 2013), Hội VHNT đã mở 10 trại sáng tác tổng hợp, 30 trại sáng tác chuyên ngành, thu hút trên 250 lượt hội viên; bên cạnh đó, đã lựa chọn gần 100 lượt hội viên tham dự các trại sáng tác chuyên ngành Trung ương, 35 hội viên tham gia các lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, Học viện Âm nhạc quốc gia, các cuộc hội thảo khu vực và toàn quốc - có 62 tác phẩm các loại hình văn học, nghệ thuật của văn nghệ sỹ tỉnh Hòa Bình đã đoạt giải. Năm 2013, Hội phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mở lớp biên đạo múa cho trên 60 học viên ở các nhà văn hóa, câu lạc bộ, trường học trong tỉnh. Đây là dịp để các hội viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật.

Nhằm phát hiện, bồi dưỡng các tài năng sáng tạo, Hội VHNT đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phát động các cuộc thi sáng tác với nhiều chủ đề nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh,... chú trọng phát hiện các tài năng trong tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; đặc biệt, về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội nhận được trên 150 tác phẩm dự thi, qua bình xét đã trao giải thưởng cho 12 tác phẩm của 9 tác giả.

Công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm đã được Hội từng bước chú trọng. Trong 5 năm, tỉnh Hòa Bình có 88 tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản - trong đó, đáng biểu dương những sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán dân tộc Mường của tác giả Bùi Huy Vọng với hàng ngàn trang in và đạt 5 giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Các loại hình văn học, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, múa,… đều có những thành tựu đáng ghi nhận.

Mặc dù tình hình kinh tế, đời sống và điều kiện hoạt động của số đông văn nghệ sỹ còn không ít khó khăn, nhưng nhờ sự khuyến khích lòng đam mê, sự cống hiến, trách nhiệm công dân,… các văn nghệ sỹ luôn nhiệt tình lao động, sáng tạo nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần của công chúng. Do là hội đặc thù - hầu hết hội viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị khác nhau - nên việc quản lý hội viên chủ yếu qua những trại sáng tác tại địa phương và khu vực. Vượt lên những khó khăn, đội ngũ văn nghệ sỹ Hòa Bình luôn thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước - tình yêu ấy bộc lộ qua các sáng tác. Điều đáng mừng là trong nhiều năm qua, hoạt động sáng tác của đội ngũ văn nghệ sỹ Hòa Bình không xuất hiện khuynh hướng sáng tác suy đồi, phi nhân tính, đi ngược lại truyền thống đạo lý dân tộc, không có văn nghệ sỹ lợi dụng diễn đàn văn học, nghệ thuật để kích động, xuyên tạc, phức tạp hóa vấn đề tình hình chính trị cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Báo Văn nghệ Hòa Bình ngày càng nâng cao về chất lượng, được UBTQLH các Hội VHNT Việt Nam đánh giá là đẹp về hình thức, phong phú về nội dung, có bản sắc, thực sự là diễn đàn văn học, nghệ thuật của tỉnh. Khó khăn hiện nay của Hội là kinh phí cho tờ báo Văn nghệ - một trong hai tờ báo giấy của tỉnh nằm trong quy hoạch báo chí của Bộ Thông tin - Truyền thông, là một trong 11 tờ báo văn nghệ của 63 tỉnh, thành trong cả nước (các tỉnh khác chỉ ra tạp chí văn nghệ). Năm 2011, Báo Văn nghệ Hòa Bình được hỗ trợ kinh phí nghiệp vụ 15 triệu đồng; năm 2012 là 25 triệu đồng (không có tiền in và tiền nhuận bút); năm 2013, 2014 kinh phí của báo được tăng lên 85 triệu; tuy nhiên, đây vẫn là mức kinh phí thấp nhất toàn quốc do vậy, Báo chỉ đủ in và phát hành trong 6/12 tháng. Đó là chưa kể nhuận bút rất thấp. Có thể nói, hoạt động của Báo Văn nghệ Hoà Bình gặp rất nhiều khó khăn Mặt khác, do chính sách đãi ngộ còn những bất cập, dẫn đến việc thu hút người có khả năng về công tác tại Hội là rất khó. Đây là khâu tồn tại chưa thể tháo gỡ. Hiện tại, Hội rất thiếu đội ngũ cán bộ kế cận quản lý. Công tác quy hoạch các chức danh lãnh đạo, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của chủ tịch, phó chủ tịch, tổng biên tập báo vì thế còn bỏ ngỏ.

Để văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới đạt nhiều thành tựu, có dấu ấn sâu đậm hơn nữa trong đời sống xã hội, nhằm cổ vũ, động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về hình thức và nội dung tư tưởng, Hội VHNT tiếp tục xây dựng các đề án chuyên đề, củng cố và phát triển Báo Văn nghệ, tiếp tục mở các trại sáng tác, các cuộc vận động sáng tác, hỗ trợ sáng tạo,... Hội cũng mong muốn sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đối với sự nghiệp phát triển văn nghệ, đánh giá đúng vai trò của văn nghệ trong công cuộc đổi mới; quan tâm việc trao giải thưởng văn học - nghệ thuật 5 năm, 10 năm cho các văn nghệ sĩ có cống hiến; có chế độ đãi ngộ hợp lý để khích lệ, thu hút tài năng sáng tạo,... đưa văn học, nghệ thuật tỉnh Hoà Bình phát triển rực rỡ, xứng tầm với bề dày văn hóa truyền thống của một dân tộc miền núi.