Tỉnh đã và đang dành nhiều quan tâm, nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời hướng tới xây dựng đời sống văn hoá, môi trường văn hoá mới. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đã từng bước được quan tâm. Nhiều di tích văn hoá - tín ngưỡng được đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Các giá trị văn hoá tinh thần được lưu giữ và phát huy.
Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh có 177 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, tỉnh có hơn 50 bản, làng du lịch - văn hoá, trên 30 lễ hội văn hoá đậm đà bản sắc như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ), lễ hội đền Bờ (Cao Phong), lễ mừng cơm mới của dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của dân tộc Thái; các phong tục độc đáo như cơm đe (Yên Thủy), xên bản xên Mường (Mai Châu)...
Chính quyền tỉnh đã xây dựng, ban hành quy chế bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, danh thắng; phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay đã có hơn 20 di tích được đầu tư, trùng tu, tôn tạo. Lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Các hình thức truyền dạy văn nghệ dân gian được phát triển ở các địa phương như: Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, thành phố Hoà Bình thu hút nhiều đông đảo người dân tham gia.
Ngoài ra, các huyện, thành phố tổ chức mở các lớp truyền dạy di sản văn hoá phi vật thể như: lớp học chữ Thái (Mai Châu), lớp dạy văn nghệ dân gian (Tân Lạc), lớp dạy chữ Tày (Đà Bắc)…