DetailController

Khoa học - Môi trường

Niềm vui trên những nhịp cầu

21/05/2015 00:00

Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình khó khăn, những năm trước đây việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân vùng khó khăn gặp nhiều vất vả, nhất là những xã chưa có cầu treo bắc qua sông. Nhưng đời sống của người dân ở những xã vùng khó khăn đang mở ra “trang mới” khi những chiếc cầu treo đã và đang được xây dựng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như khắc phục những khó khăn mà nhân dân đang gặp phải thời gian qua.

Cầu treo Gạo Bạc xã Hưng Thi huyện Lạc Thủy hoàn thành sẽ phục vụ tốt việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong xã.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bùi Đức Hậu cho biết, thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Hòa Bình đã được quyết định xây 7 cầu treo nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn. Trong 7 cầu treo thì có 6 cái được xây dựng theo kiểu cầu treo dây võng một nhịp, chiều dài 120 m là cầu Bến Khú, Mý Đông-Cành xã Mỵ Hòa huyện Kim Bôi; cầu Bến Đô, Bến Cui, Gạo Bạc và Bến Bưởi xã Hưng Thi huyện Lạc Thủy. Còn lại cầu xóm Sổ xã Trung Thành huyện Đà Bắc có chiều dài 70 m. Trên cơ sở đó, khổ cầu B = 2m với tất cả 7/7 cầu được đầu tư xây dựng; cầu treo được thiết kế với mực nước lũ lịch sử, đảm bảo an toàn cho công trình về mùa mưa lũ với tuổi thọ thiết kế 25 năm. Đến nay, có cầu Gạo Bạc và cầu Bến Khú đã thi công cơ bản hoàn thành. Dự kiến các công trình sẽ bàn giao đưa vào khai thác và sử dụng trong tháng 5. Hiện nay Nhà thầu đang triển khai thi công theo kế hoạch, dự kiến công trình sẽ thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 30-6.

Những ngày này, về Hưng Thi chúng tôi mới thấy được niềm vui của người dân trên địa bàn xã. Cây cầu treo Gạc Bạc đã được hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, xã hội cũng như phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân. Cầu Gạo Bạc được khởi công từ cuối năm 2014 và hoàn thành vào đầu năm 2015 bằng nguồn vốn của Bộ Giao thông vận tải. Cầu có chiều dài 120 m, mức đầu tư khoảng 7 tỷ đồng nhưng có ý nghĩa rất quan trọng cải thiện và bảo đảm an toàn giao thông cho người dân Hưng Thi. Cầu treo Gạo Bạc hoàn thành thay thế cho chiếc cầu phao tự làm không bảo đảm an toàn khi qua sông Bôi. Nếu như trước đây, chưa có cầu treo, việc đi lại qua sông Bôi trên địa bàn xã cực kỳ khó khăn, nhất là vào mua mưa đến. Theo lãnh đạo xã Hưng Thi thì việc cầu treo Gạo Bạc hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào sử dụng là niềm vui lớn đối với chính quyền và nhân dân trong xã. Hưng Thi là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Thủy nằm trên tuyến sông Bôi, địa hình bị chia cắt thành nhiều khu vực. Vào mùa mưa nhiều xóm bị cô lập, chủ yếu đi lại bằng cầu khỉ và lội sông, suối bằng bè mảng chênh vênh. Việc đi lại, sản xuất của người dân trong nơm nớp lo âu. Việc xây dựng các cầu treo sẽ cải thiện cơ bản việc đi lại của người dân. Xã có điều kiện thuận lợi khai thác thế mạnh phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Ngoài việc cầu Gạo Bạc đã hoàn thành thì hiện nay, các cầu Bến Đô, Bến Bưởi, Bến Cui cũng đang được triển khai xây dựng. Chỉ huy trưởng công trình xây dựng cầu Bến Đô (Công ty Cổ phần đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn) Ngọ Văn Thảo cho biêt, hiện nay đơn vị thi công đang thi công kết cấu phần dưới gầm móng của mố neo N1, N2, trụ dẫn T1, T2, trụ tháp T3, T4. Ngoài ra, kết cấu thép phần trên chuẩn bị công tác thử nghiệm vật liệu đầu vào để chủ đầu tư chấp thuận sản xuất đại trà tại xưởng. Dự kiến cầu sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 nhằm phục vụ nhân dân trên địa bàn đi lại trong mùa mưa bão. Trưởng thôn Thơi xã Hưng Thi huyện lạc Thủy Bùi Văn Huyên chia sẻ, trước đây, mỗi khi vào mùa mưa, người dân trong thôn Thơi khổ lắm! Khi mưa lớn đổ về, nước dâng cao khiến cầu phao Bến Đô bắc qua sông Bôi bị trôi hoặc hư hỏng. Khi đó, người dân chẳng ai dám đi qua cầu, vì thế mà việc đi lại, giao thương hàng hóa gần như “đóng băng“, các cháu học sinh phải nghỉ học. Theo dự kiến, cầu Bến Đô sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 6. Đây là niềm vui cũng là niềm mong mỏi từ bấy lâu của người dân địa phương. Cầu mới được hoàn thành, người dân trong thôn sẽ không còn cảnh hàng ngày di chuyển qua cầu phao không bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nữa.

Ngoài 7 cầu được triển khai xây dựng trong giai đoạn I, vừa qua tỉnh Hòa Bình tiếp tục được triển khai đầu tư thêm 13 cầu treo nữa trongĐề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, các cầu được tiếp tục đầu tư trong giai đoạn II là cầu xóm Lọng xã Vạn Mai huyện Mai Châu; cầu treo Đanh, cầu treo Vỏ, xã Xuất Hóa, cầu Suối Bủm, xã Nhân Nghĩa, cầu phao Bái, cầu treo Băn, xã Phú Lương, cầu treo Rậm Anh, xã Thượng Cốc huyện Lạc Sơn; cầu xóm Lọng, xã Đoàn Kết và cầu xóm Rằng, xã Cao Sơn huyện Đà Bắc; cầu xóm Bin, xã Tử Nê, cầu suối Khoang Chan, xóm Định đi xóm Ban, xã Mãn Đức, cầu xóm Sung 2, xã Thanh Hối, cầu xóm Bệ, xã Lỗ Sơn huyện Tân Lạc.

Theo kết quả rà soát của Ngành Giao thông vận tải tỉnh, hiện trên địa bàn có 72 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 777,89 km, 2.709,7 km đường xã, 286 km đường đô thị, đường trục thôn, xóm 2.954 km, đường trục chính nội đồng 2.081,4 km, 2.957,6 km đường ngõ. Các huyện, thành phố quản lý 395 cầu, trong đó có 57 cầu treo và 8 cầu phao. Phần lớn các cầu nông thôn được đầu tư từ nhiều năm đã xuống cấp, nhiều cầu xuống cấp nghiêm trọng rất nguy hiểm khi giao thông. Từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng một số cầu treo tại các địa phương.