Năm 2004, GS Ngô Bảo Châu cùng đồng nghiệp vinh dự nhận giải thưởng Clay cho việc chứng minh thành công trường hợp đặc biệt của Bổ đề cơ bản Langland và năm 2009, công trình nghiên cứu dày hơn 200 trang chứng minh hoàn toàn bổ đề này đã được Tạp chí Time bình chọn là mười sự kiện khoa học nổi bật năm 2009.
Ðau đáu nhớ quê
Dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt sáng, khuôn mặt đôn hậu, cái tên Ngô Bảo Châu không còn xa lạ với giới khoa học Việt Nam. Ðam mê toán học từ nhỏ, có lẽ cái duyên hướng anh đến nghiệp toán. Từng là học sinh chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Ðại học Quốc gia Hà Nội) với hai lần đoạt huy chương vàng ô-lim-pích toán quốc tế, Ngô Bảo Châu sớm bộc lộ tài năng toán học của mình.
Sang Pháp theo học đại học tại Ðại học Pa-ri 6, tiếp theo đó làm tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tại trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp - Ðại học sư phạm Pa-ri. Với thành tích khoa học đáng nể, ở tuổi 31, Ngô Bảo Châu được Trường đại học Pa-ri 6 và Pa-ri 11 mời làm giáo sư. Mong muốn được làm việc với GS Giê-ra Lu-mông cho nên anh quyết định về làm việc tại Trường đại học Pa-ri 11. Và ngay sau khi nhận giải thưởng Clay, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton ở Mỹ - một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng đã mời GS Ngô Bảo Châu về làm việc. Mặc dù đã hơn mười năm sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng Ngô Bảo Châu vẫn mang trong mình tấm hộ chiếu phổ thông Việt Nam. Ðiều đó cho thấy tình cảm đặc biệt cũng như lòng tự hào đối với quê hương trong anh sâu sắc biết nhường nào. Hầu như năm nào GS Ngô Bảo Châu cũng về nước, ngắn thì một vài ngày, dài thì vài tháng. Khoảng thời gian nghỉ hè hiếm hoi về nước, anh đều dành cho việc dạy các khóa học ngắn hay làm hội thảo chuyên đề với mong muốn truyền lại cho các bạn trẻ, các nhà khoa học trong nước những phát kiến mới trong toán học. Một bạn trẻ ở Viện toán nói rằng, điều lớn nhất học được ở thầy Châu là sự tận tâm, lòng nhiệt tình và say mê khoa học. Mong ước của anh thật giản dị, "tâm nguyện của tôi là các em học sinh giỏi toán hãy yêu nghề".
Ðược hỏi làm thế nào để chọn lựa các bạn trẻ có năng khiếu để sớm hướng nghiệp họ, anh tâm sự: "Sinh viên cần được chọn lọc gắt gao, nhưng cũng cần tạo cho họ những điều kiện học tập tốt nhất có thể. Chất lượng nghiên cứu và giảng dạy phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải số lượng. Quy chế tuyển chọn giáo sư dài hạn hay ngắn hạn là việc rất quan trọng". Theo GS Ngô Bảo Châu, cần tìm cơ chế thích hợp để tuyển được người xứng đáng, trả lương cho xứng đáng, và tạo điều kiện làm việc "đàng hoàng". Ngoài cơ sở hạ tầng không thể thiếu, theo anh, cần có quy chế để có thể mời các nhà khoa học nước ngoài uy tín sang Việt Nam giảng dạy một cách đều đặn. "Việc mời được các giáo sư đầu ngành sang giảng dạy, và tiếp theo gửi học sinh theo học họ là điều kiện bắt buộc để từng bước xây dựng một nền khoa học Việt Nam hòa nhập với luồng chính của khoa học thế giới", anh cho biết.
Ước mong khoa học Việt Nam cất cánh
"Thực trạng khoa học của đất nước còn nhiều bất cập. Chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường đại học chưa cao", GS Ngô Bảo Châu bộc bạch. Vì vậy, theo anh, mục tiêu xây dựng một cơ sở nghiên cứu và đào tạo khoa học có uy tín quốc tế là chuyện hệ trọng.
Có kinh nghiệm "cọ xát" trên "đấu trường" khoa học quốc tế, anh cho rằng việc cần thiết phải hướng nền khoa học theo những chuẩn mực quốc tế. Chính bởi vậy, việc các nhà khoa học trong nước công bố công trình trên các tạp chí quốc tế chưa đủ để khẳng định chất lượng của một công trình khoa học, nhưng đó là điều kiện tối thiểu đối với tất cả các nghiên cứu cơ bản (kể cả khoa học xã hội).
Theo GS Ngô Bảo Châu, từ quan điểm lý thuyết, ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng rất mong manh, thậm chí không tồn tại. Anh viện dẫn một thí dụ, "Chắc ông Rit và Xô-lô-mông không tưởng tượng được là công trình toán học của họ được sử dụng mỗi khi bạn đọc một cái đĩa DVD". Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng, từ quan điểm thực tế, khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng có thể là vô cùng lớn nếu không có một "cấu trúc" thích hợp để các viện nghiên cứu và các công ty công nghệ có thể làm việc cùng với nhau. Do vậy, việc khuyến khích các công ty công nghệ trực tiếp kết hợp nghiên cứu và giảng dạy với các trường, các viện là việc hệ trọng.
"Theo quan điểm của tôi, cần khuyến khích một cách cụ thể, thí dụ tiền họ bỏ ra cho việc kết hợp nghiên cứu giảng dạy có thể trừ bớt vào thuế doanh thu. Việc đầu tư trọng điểm của Nhà nước vào một số lĩnh vực trọng điểm là cần thiết nhưng cũng nên làm một cách dè dặt", GS Ngô Bảo Châu cho biết. Nhà khoa học này còn cho rằng: "Cần xem đội ngũ khoa học của ta đã sẵn sàng chưa, liệu các công ty công nghệ của ta đã sẵn sàng đón nhận các kết quả nghiên cứu ứng dụng chưa? Một dự án nghiên cứu khoa học ứng dụng, thiếu phần đầu tư đáng kể của các công ty công nghệ kết hợp, không thể là một dự án được đầu tư trọng điểm".