DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Những ý kiến góp ý thảo luận về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đoàn Hòa Bình

06/11/2014 00:00

Ngày 01/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá tổng thể kết quả việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo nghị quyết số 10 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội trường

Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, bước đầu đã đạt kết quả quan trọng đó là: Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, lạm phát được kiềm chế. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tại 62 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ giảm nhanh qua các năm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Các cân đối lớn có chuyển biến rõ rệt. Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Tiềm lực khoa học công nghệ tiếp tục được tăng cường cả cơ sở vật chất và nhân lực. Thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, nông nghiệp, y tế... được ứng dụng rộng rãi.

Để làm rõ hơn báo cáo giám sát, tôi xin đề cập tới một số nội dung như sau:

Một là kết quả tái cơ cấu đầu tư công, tôi đánh giá cao và cho đây là nội dung có nhiều điểm sáng trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua, trong đó nổi bật là Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm tiền đề cho tái cơ cấu đầu tư công như: các nghị quyết, Luật, pháp lệnh của Quốc hội; các văn bản quản lý điều hành của Chính phủ, qua đó đã huy động, quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; chấn chỉnh tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí kéo dài, kém hiệu quả trong đầu tư công. Công tác quản lý đầu tư từ khâu quy hoạch, lập, phê duyệt dự án đến triển khai, giám sát...Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn, xử lý vốn ứng trước và nợ đọng trong xây dựng cơ bản tốt hơn. Số dự án được khởi công mới giảm mạnh, nhiều dự án được bố trí vốn tập trung đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả. Việc phân bổ vốn được thực hiện theo kế hoạch trung hạn đã giúp cho các bộ, ngành và các địa phương chủ động hơn trong quản lý, sử dụng nguồn vốn được giao. Việc triển khai các dự án đầu tư công được thực hiện cơ chế dân chủ, công khai minh bạch có sự tham gia giám sát của các cơ quan dân cử và người dân đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội và góp phần nâng cao tính hiệu quả kinh tế xã hội của dự án. Việc ban hành chính sách pháp luật trong tái cơ cấu kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư công nói riêng cũng đã tạo môi trường quan trọng cho việc thu hút các nguồn vốn bên ngoài đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, điển hình là trong lĩnh vực giao thông....

Bên cạnh kết quả đạt được, tôi đề nghị Báo cáo cần làm rõ một số nội dung sau:

Một là, Báo cáo cần đánh giá những tác động của tái cơ cấu đầu tư công trên một số lĩnh vực, địa bàn. Cụ thể đối với lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị làm rõ trong bối cảnh thực hiện cắt, giảm, đình giãn hoãn các dự án đầu tư công thì lĩnh vực này có sụt giảm tổng vốn đầu tư hay không, bao nhiêu dự án công trình thuỷ lợi phải đình hoãn có tác động như thế nào đối với tăng trưởng và phát triển của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Lĩnh vực y tế đã tái cơ cấu bố trí vốn đầu tư có đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân không? các đề án giảm tải, mở rộng nâng cấp các cơ sở y tế được thực hiện như thế nào liệu có về đích như kế hoạch đề ra hay không. Đối với lĩnh vực giao thông, được coi là khá nóng bỏng trong nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư công cũng cần được đánh giá toàn diện hơn về kết quả phát triển, nâng cấp mạng lưới giao thông của cả nước.

 Hai là, đánh giá về bố trí huy động nguồn lực đầu tư phát triển các vùng động lực kinh tế và miền núi. Tôi cho đây là nội dung quan trọng cần được thể hiện trong báo cáo giám sát bởi vì liên quan đến phân bổ nguồn lực cho phát triển toàn diện của đất nước. Riêng nội dung này cần làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực cho phát triển vùng miền núi vùng khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có tỉ lệ nghèo cao, như các tỉnh Tây bắc, tây nguyên, tây nam bộ. Theo báo cáo giám sát của một số đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương này, trong 4 năm qua, đầu tư công cho các tỉnh này chủ yếu được phân bổ từ ngân sách trung ương và trái phiếu chính phủ và ngày càng giảm. Nhiều công trình thiết yếu như các công trình giao thông thuỷ lợi, cơ sở y tế bị cắt giảm, đầu tư chắp vá chậm phát huy hiệu quả, gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí không nhỏ. Với các tỉnh miền núi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất thấp kém, việc huy động nguồn lực đầu tư từ các khu vực ngoài nhà nước là điều khó khả thi thì đầu tư công từ ngân sách là chủ yếu và quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội. Việc bố trí nguồn lực đầu tư cho khu vực này cần được xét trong điều kiện, khả năng huy động đầu tư, mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh. Nếu không như vậy, chắc chắn các địa phương này sẽ ngày càng tụt hậu xa hơn so với sự phát triển chung của cả nước.

Ba là, báo cáo cũng cần đánh giá đầy đủ hơn các tác động của tái cơ cấu đầu tư công liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, nợ xây dựng cơ bản, nợ xấu ngân hàng, vấn đề thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Cũng theo báo cáo của một số địa phương, tái cơ cấu đầu tư công đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng liên quan đến nợ xây dựng cơ bản. Nhà nước nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nợ ngân hàng, nợ lương, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động...

Vấn đề thứ hai tôi xin đề cập là kết quả thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng, các tổ chức tín dụng

Đây là lĩnh vực tôi cho là được triển khai quyết liệt đúng hướng và đúng lộ trình. Nhờ các biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cùng với điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường tiền tệ, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng được đảm bảo, nguy cơ gây đổ vỡ mất an toàn hệ thống được đẩy lùi. Tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng mạnh, đạt mức cao nhất từ trước đến nay góp phần nâng cao an toàn tài chính quốc gia. Tình trạng đô la hoá, vàng hoá từng bước giảm dần và được kiểm soát chặt chẽ. Các tổ chức tín dụng đã quan tâm đổi mới nâng cao hệ thống quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đồng thời từng bước định hướng chiến lược kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh. Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng; xử lý nợ xấu đã đạt được kết quả khá trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế.

Tôi đề nghị làm rõ hơn những vướng mắc trong xử lý nợ xấu của ngân hàng. Trong những năm qua ngành ngân hàng đã chủ động quyết liệt xử lý nợ xấu như kiềm chế gia tăng nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn với lãi xuất hợp lý nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh...đặc biệt là xử lý nợ xấu thông qua nguồn trích lập dự phòng rủi ro và công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ...tỉ lệ nợ xấu đã giảm tuy nhiên vẫn còn ở mức cao. Tôi đồng tình với ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế cho là vấn đề nợ xấu nếu chỉ ngân hàng xử lý là chưa đủ bởi vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế do đó phải được xử lý bằng nhiều biện pháp tổng hợp như việc phục hồi, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thị trường, xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tài sản đảm bảo, tạo lập thị trường mua bán nợ. nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng... nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp và sự hỗ trợ của nhà nước thì việc xử lý nợ xấu sẽ kéo dài, không thể triệt để và tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế.