DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Những ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật thi hành án Dân sự của Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy đoàn Hòa Bình

03/11/2014 00:00

Ngày 03/11, Quốc hội nghe Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình thể hiện sự đồng tình với nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự lần này.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu tại Hội trường

Để tiếp tục hoàn thiện vào Dự án án Luật, đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể gồm:

Thứ nhất, Về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền và nghĩa vụ liên quan:

Về quyền của người được thi hành án, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 7 và Điều 31 quy định người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án. Về nội dung này, tôi đề nghị Dự thảo Luật cân nhắc quy định người được thi hành án phải làm đơn yêu cầu thi hành án với các lý do: Để đảm bảo hiệu lực, tính nghiêm minh của pháp luật thì khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong trường hợp người phải thi hành án không chấp hành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chủ động sử dụng quyền lực nhà nước để tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, đối với người dân ở vùng cao, vùng sâu, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện đi lại khó khăn, hiểu biết về thủ tục liên quan đến công tác thi hành án của người được thi hành án còn hạn chế, nếu không được cơ quan có thẩm quyền tư vấn, hướng dẫn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án, dẫn đến bản án, quyết định có hiệu lực sẽ chậm được thi hành. Do vậy, tôi đề nghị Dự thảo luật nên cân nhắc quy định này. Vì bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành và thông báo cho người được thi hành án biết mà không cần phải có đơn yêu cầu. Đối với các trường hợp người được thi hành án từ chối quyền trong bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án không mong muốn thi hành án hoặc chỉ yêu cầu thi hành án một phần nghĩa vụ thi hành án, hoặc trường hợp đương sự đã thỏa thuận về cách thức thi hành bản án, quyết định của tòa án thì người được thi hành án phải làm đơn gửi cơ quan thi hành án.

Tại Điểm e, Khoản 1, Điều 7, Dự thảo Luật quy định, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do chấp hành viên thực hiện. Nội dung này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là những người nghèo, người có điều kiện kinh tế khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, Luật cũng cần phải làm rõ nguồn chi phí để xác minh điều kiện thi hành án này được lấy từ ngân sách nhà nước hay từ nguồn xã hội hóa (trong trường hợp áp dụng chế định thừa phát lại). Trong những trường hợp, chấp hành viên tổ chức xác minh điều kiện thi hành án đối với những vụ án lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí nhiều, trong khi người được thi hành án là các tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện thì Dự thảo luật cần xem xét và nghiên cứu để bổ sung những đối tượng này vào diện phải chịu chi phí xác minh thi hành án. Về quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án: Tôi đồng tình với nội dung quy định người được thi hành án có quyền được khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo Điểm l, Khoản 1, Điều 7 vì: Về bản chất mô hình tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay đang trực thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Theo sự phân công thực hiện và kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo quy định tại Điều 94 của Hiến pháp thì đây là cơ quan có nhiệm vụ thực hiện quyền hành pháp. Vì vậy các quyết định, hành vi của cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự là quyết định hành chính và hành vi hành chính, do đó có thể sẽ bị khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về tiêu chuẩn bổ nhiệm chấp hành viên

Tôi đồng tình với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện bổ nhiệm Chấp hành viên theo hướng mở rộng diện bổ nhiệm. Theo đó, những người đã là Chấp hành viên sau đó được điều động, luân chuyển, biệt phái ở các đơn vị khác thì có thể bổ nhiệm lại làm Chấp hành viên ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển hoặc những người trong, ngoài hệ thống tổ chức thi hành án có đủ điều kiện quy định của Luật thì được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương.

Trong trường hợp đặc biệt, do yêu cầu tổ chức phải bổ nhiệm ngay Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ các điều kiện theo quy định được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp ở ngạch tương đương hoặc ở ngạch cao hơn không qua thi tuyển, bao gồm: Bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với những người có 05 năm làm công tác pháp luật trở lên và được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm; Bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp đối với những người có 10 năm làm công tác pháp luật trở lên, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm; bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp đối với những người có 15 năm làm công tác pháp luật trở lên.

Việc quy định một số trường hợp theo Khoản 6,7, Điều 18 thì được bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đối với các trường hợp khác thì bổ nhiệm Chấp hành viên phải qua thi tuyển. Bởi lẽ, những người này đã có thời gian làm công tác pháp luật, họ am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm trong ngành, do đó trong những trường hợp đặc biệt có thể bổ nhiệm trực tiếp các chức danh mà không cần thi tuyển.

Tôi đề nghị Dự thảo Luật đưa nội dung quy định bổ nhiệm Chấp hành viên, theo đó những người làm ở cơ quan thi hành án dân sự tại các vùng miền khó khăn đề nghị Dự thảo bổ sung quy định: Người có đủ điều kiện theo quy định, cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định danh sách các cơ quan thi hành án dân sự thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Như vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc bổ nhiệm Chấp hành viên cho một số tỉnh khó khăn về nguồn tuyển dụng cán bộ. Thứ ba, về miễn, giảm các khoản thu cho ngân sách nhà nước

Tôi đồng tình và thống nhất cao với quy định về việc duy trì cơ chế xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, quy định về miễn, giảm phải bảo đảm các điều kiện phù hợp với chính sách hình sự và các nguyên tắc quy định của Bộ luật hình sự, Luật thi hành án hình sự. Đồng thời, đề nghị Dự thảo xem xét các quy định cho phù hợp với thực tế tránh trường hợp lợi dụng chính sách của nhà nước để trốn tránh trách nhiệm thi hành án. Thực tế, trong thời gian qua, do thủ tục xét miễn giảm rất khắt khe nên nhiều bản án không có điều kiện thi hành trong thời gian dài nhưng vẫn không được xét miễn, giảm đã ảnh hưởng đến tỷ lệ thi hành án. Tôi đề nghị nên giao cho cơ quan Thi hành án có quyền xem xét, quyết định xét miễn, giảm đối với những hợp án không có điều kiện thi hành nhằm đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật./. Bích Ngọc - Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh