DetailController

CNTT và Viễn Thông

Những thách thức của đội ngũ công nhân lao động tỉnh Hòa Bình trước tình hình mới

17/10/2018 00:00
Trong 5 năm, với chính sách thu hút đầu tư theo chủ trương của Đảng, Nhà nước cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh tiếp tục phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu và có sự dịch chuyển mạnh giữa các thành phần kinh tế; có hàng ngàn doanh nghiệp mới được thành lập, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy động viên, chia sẻ với công nhân lao động tại khu công nghiệp

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 83.700 lao động (chiếm khoảng 10% dân số của tỉnh), số CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức công đoàn thuộc LĐLĐ tỉnh quản lý: 65.120 người (tăng 10.306 người so với đầu nhiệm kỳ); số đoàn viên: 60.661 người; nữ: 36.150 người (chiếm 59,6%). Trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp: 38.250 người (chiếm 64,8 %); khu vực sản xuất kinh doanh: 22.441 người (chiếm 35,2%). Tổng số công đoàn cơ sở 1.303 đơn vị thuộc 11 LĐLĐ huyện, thành phố và 07 Công đoàn ngành (trong đó khu vực hành chính sự nghiệp: 1.136 đơn vị; khối doanh nghiệp 186 đơn vị). Số lượng công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp tăng không đồng đều giữa các ngành, nghề và khu vực kinh tế, chủ yếu tăng ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, giảm ở những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phải cơ cấu lại, tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể, phá sản do tác động của suy thoái kinh tế. Số công nhân đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ 60%; đa số công nhân tuổi đời còn trẻ, năng động, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh với khoa học công nghệ hiện đại, với cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; là lực lượng lao động nòng cốt, có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động còn gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc giải thể; tình trạng thiếu việc làm đã ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Ngoài ra, vấn đề nhà ở vẫn là yêu cầu bức xúc của người lao động. CNLĐ vẫn phải thuê nhà ở trong khu dân cư với diện tích chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp như: nhà trẻ, trường mầm non còn rất hạn chế; nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các khu công nghiệp tập trung hầu như chưa có.

Mức lương tối thiểu vùng của người lao động được điều chỉnh tăng hàng năm khoảng 6,5% - 12,4%/năm, thu nhập của người lao động trực tiếp sản xuất trong các loại hình doanh nghiệp được tăng từ 2,6 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên 4,25 triệu đồng/người/tháng năm 2017, cao hơn tiền lương tối thiểu vùng của Chính phủ; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp tương đối ổn định, tăng theo lộ trình điều chỉnh tăng mức lương cơ sở với mức tăng bình quân 7%/năm. Mức tiền lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, do giá cả hàng hóa tiêu dùng, các dịch vụ xã hội, mặt hàng thiết yếu tăng cao. Đời sống của đa số người làm công ăn lương còn gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động ở một số doanh nghiệp còn chưa nghiêm túc (nhất là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất vừa và nhỏ): tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hoặc đóng không đúng theo thang bảng lương làm ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của hàng ngàn lao động; việc giao kết hợp đồng lao động còn chung chung, chưa thể hiện hết quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; một số doanh nghiệp không xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), thang bảng lương, quy chế lương, thưởng; vi phạm thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trang bị phương tiện bảo hộ lao động thiếu và không đảm bảo chất lượng, chưa quan tâm khám sức khoẻ định kỳ cho CNLĐ,…

Điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất chậm được cải thiện, tình trạng CNLĐ phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vẫn còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ. Tai nạn lao động vẫn còn xảy ra, 5 năm qua đã xảy ra 22 vụ tai nạn lao động nặng  làm chết 28 người, bị thương nặng 17 người. Tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công đã xảy ra ở một số doanh nghiệp; nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu là do doanh nghiệp và người sử dụng lao động vi phạm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Nhìn chung, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức song đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh đã vững vàng vượt qua khó khăn với tinh thần chủ động và sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến, thích ứng với cơ chế thị trường, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. /.