DetailController

Văn hóa

Những người mang tiếng cồng Mường đến trời Âu

08/10/2013 00:00
Sau hơn 2 tháng chia tay đất nước Phần Lan, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Thành Viên (nguyên chủ tịch Hội VHNT tỉnh), thành viên nhóm nhạc cồng chiêng vẫn chưa quên được những hình ảnh, ấn tượng của chuyến lưu diễn nơi châu Âu dạo tháng 7/2013. Anh chia sẻ: Từ những bước chuẩn bị của Viện hàn lâm KH-XH Việt Nam, Qũy bảo trợ văn hóa Phần Lan, những nghệ nhân cồng chiêng Hòa Bình đã cùng dàn nhạc dân tộc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam được đến biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế vùng biển Ban-tích ở Phần Lan.
Dàn cồng Hoà Bình trong một đêm diễn ở Phần Lan

         Liên hoàn này đã được hình thành và tổ chức liên tục trong 40 năm qua. Năm nay, cùng với đoàn chủ nhà có 13 đoàn thuộc các quốc gia như Nga, Đan Mạch, Na-uy, Estô-nia, Việt Nam...Đông, vui, rộn ràng một không gian âm nhạc dân gian và tình bạn quốc tế. Hành trình của đoàn trên đất nước Phần Lan với chặng đường gần 2000 km qua các thành phố xinh đẹp, mến khách như Sômelo, Kajaani, Kaustinen và thủ đô Hen-xin-ki cổ kính, đã để lại trong lòng anh và mọi người bao điều cảm kích.Tại các đêm diễn ở thủ đô Hen-xin-ki và 3 tỉnh phụ cận, bên cạnh các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam trong dàn nhạc như đàn bầu, tơ-rưng, đàn tranh...dàn cồng chiêng đã góp phần giới thiệu tiếng cồng của người Mường và nền âm nhạc truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế.  Khán giả các nước tham gia như được đến thăm vùng đất Hoà Bình, đắm chìm trong tiếng cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường, thông qua các “sứ giả” là những diễn viên, nghệ nhân dân gian Mường....Đêm diễn ở Nhà hát trung tâm Sô-me-lô, hay ở đảo cách thủ đô 15 km, sau tiết mục cồng chiêng Hoà Bình, khán giả đã đứng lên vỗ tay mãi, khiến các nghệ nhân phải biểu diễn lại lần nữa.

     Đến với liên hoan nghệ thuật dân gian quốc tế này, những nghệ nhân cồng chiêng Hòa Bình là bác Nguyễn Minh Tân (75 tuổi), anh Nguyễn Văn Khánh (1969), Nguyễn Văn Sơn (1965) đều ở xã Sủ Ngòi(thành phố Hoà Bình), anh Kiều Trung Sơn ( ở Hà Nội) và anh Nguyễn Thành Viên cùng đánh ba bài chiêng: Đi đường, Dâng oản, Đùm đim( chiêng cời). Trong đó, bác Tân đánh chiêng “khỗ”, anh Khánh đánh chiêng “đoóng”, anh Nguyễn Văn Sơn đánh chiêng “khầm”...cùng hoà với tiếng cồng của anh Kiều Trung Sơn, Nguyễn Thành Viên. Những lời ca được hòa quyện với những âm thanh sâu lắng của tiếng cồng do các nghệ nhân cồng chiêng Hòa Bình trình diễn, đã đem đến cho khán, thính giả những cung bậc tình cảm khác nhau. Cùng với các đoàn nghệ thuật của các nước trên thế giới, đoàn Việt Nam  đã để lại ấn tượng sâu lắng và khó quên trong lòng khán, thính giả Phần Lan và quốc tế, đặc biệt là đối với những người còn chưa biết nhiều về Việt Nam, về văn hóa cồng chiêng. Một chuyến lưu diễn đáng nhớ biết bao với những đêm trắng châu Âu, những chuyến hành trình dài cho cuộc lưu diễn(đường hàng không, đường bộ) và tình cảm ấm nồng của người dân Phần Lan...Sau những hồi ức về chuyến “xuất ngoại” đầu đời, bác Nguyễn Minh Tân (xóm 2, xã Sủ Ngòi) bồi hồi nhớ: Trong số những người từng đến Việt Nam, có nhà nghiên cứu Taitohoffren. Ông ấy rất có cảm tình với các tiết mục của Việt Nam . Bác còn nhớ cả người lái xe cho đoàn suốt những ngày ở Phần Lan: anh Mo-ri chu đáo và vui tính. Đồng thời đó là cảm nhận về một đất nước Phần Lan “đất nước nhiều bảo tàng”(1200 bảo tàng), trong đó có bảo tàng âm nhạc độc đáo, đặc sắc hội tụ hầu hết những nhạc cụ dân gian trên thế giới. Sau những hồi ức, bác Tân chia sẻ thêm: Từng có lúc bị lãng quên, nhưng thời gian gần đây cồng chiêng đã được quan tâm đến nhiều hơn; các cấp, các ngành đang có các giải pháp nhằm “phục hưng” cho cồng chiêng. Bởi cho đến nay,  tiếng cồng vẫn luôn có giá trị đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mường.

      Anh Khánh và bác Tân cho biết thêm: Được đi biểu diễn ở đất nước bạn, mang theo tiếng cồng của người Mường đó là một điều rất vui, tự hào và có chút hãnh diện. Không phải vì sự có mặt của cá nhân chúng tôi, mà là sự có mặt của tiếng cồng Mường nơi trời Âu. Đến một vùng đất mới mặc dù rất xa lạ và qua các buổi biểu diễn chúng tôi cảm nhận được con người ở nơi đây rất thân thiện và họ yêu nghệ thuật. Chính những điều ấy đã giúp cho chúng tôi thể hiện các bài chiêng thêm sôi động và độc đáo hơn. Bên cạnh niềm vui đó thì bác cũng có đôi chút tâm tư mong rằng được các cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm chú ý hơn về giá trị văn hóa phi vật thể này để bạn bè trên khắp thế giới biết đến và làm sao để cồng chiêng của người Mường được UNESCO công nhận.

      Với tình yêu, niềm đam mê và sự trân trọng nhạc cụ của dân tộc mình, khi có điều kiện cụ thể, những nghệ nhân cồng chiêng Hòa Bình đã nỗ lực thể hiện các bài cồng chiêng,  góp phần giới thiệu nền âm nhạc truyền thống đất Mường với bạn bè quốc tế. Và họ mong được mang tiếng cồng chiêng đến với bạn bè gần, xa nhiều hơn nữa...