DetailController

Văn hóa

Những người không có quan niệm tháng ăn chơi

21/02/2011 00:00
Xưa, trong dân gian Việt Nam có câu “ tháng giêng là tháng ăn chơi”, bởi theo nông lịch, nông dân đã lo xong việc cày cấy, còn người dân thành thị lo việc đi lễ cầu may hoặc thưởng thêm cho mình những ngày nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm lụng vất vả. Nhưng nay, đa số người dân không còn quan niệm “tháng ăn chơi” mà họ đã bắt tay ngay vào công việc thường ngày.
Nông dân xã Trung Bì (Kim Bôi) tập trung sản xuất vụ Chiêm - Xuân.

 

Xin bắt đầu từ cuộc trò chuyện với một người đàn ông tên Thụy, tuổi đã ở ngưỡng ngũ tuần làm nghề sửa chữa giày dép ở phường Phương Lâm (TPHB). Cái nghề của ông không nhàn hạ, cao sang nhưng cũng không quá vất vả, cực nhọc. Điều đáng nói là ông cảm thấy yêu nghề vì cho rằng công việc của mình cũng là một thứ nghề làm đẹp cho đời. Ngày 30 Tết, dọn dẹp nhà cửa xong, tôi mới chợt nhớ ra đôi giày yêu thích của mình vừa bị bong gót, lục tục, vội vã ra đường tìm chú Thụy, nhờ chú “đại tu” cho kẻo sang năm mới chú mải “ăn chơi” lại không có giày để diện. Ngồi trước hàng đống giày giép bày la liệt trước mắt và có tới 4-5 người khách đáng đứng ngồi chờ đến lượt, tay làm miệng nói, mắt cười, có thể nói ông luôn biết cách làm “ vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Nhận ra người quen, câu chuyện của ông thêm phần rôm rả. ông bảo: Chú cố gắng làm theo yêu cầu của khách thôi, còn đến mồng 4 Tết chú đã mở hàng rồi. Một vài chị khách quen hỏi: Tự làm, tự trả lương mà anh không thưởng cho mình “một tháng ăn chơi à”? ông nở nụ cười hóm hỉnh: Thú thực, mình muốn mở hàng từ mồng 2 cơ nhưng ngày đó lại phải về quê mừng thọ ông bà, mồng 3 lên và mồng 4 bắt đầu công việc    là đẹp nhất. Làm việc, không chỉ vì cơm, áo, gạo, tiền mà quan trọng là mình tìm thấy niềm vui trong công việc mình làm.
 
Tết đến, những người sống ở thành phố luôn thích về quê bởi Tết quê thường vui hơn dài ngày hơn, vui bởi các hoạt động lễ hội. Thường thì các lễ hội xuân thường được tổ chức từ ngày mồng 2 Tết cho đến hết tháng giêng và người dân cũng cuốn vào vòng xoay bất tận dành cho các hoạt động vui chơi. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên trong năm hầu hết các địa phương trong tỉnh đều tạm ngưng việc cấy cày theo sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp. Sau những ngày vui xuân, đón những tia nắng ấm áp người nông dân nô nức xuống đồng chăm lo việc cày, cấy. Ngày 9/2 (ngày 7/1 âm lịch), xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tổ chức lễ hội chùa Chanh để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Ngay sau phần lễ, người nông dân đã cùng nhau ra đồng cấy lúa để đảm bảo kịp thời vụ. Là một trong những xã điển hình trong thực hiện dồn điền - đổi thửa, áp dụng tiến bộ KH -KT để thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, người nông dân nơi đây đã luôn tuân thủ quy trình sản xuất, không để đất nghỉ. Bởi vậy, chưa hết Tết mà người người, nhà nhà đã ra đồng cày cấy.
 
Mồng 6 Tết, nhiều cơ quan đơn vị vẫn được nghỉ bù theo quy định. Thế nhưng ngay từ ngày 4 Tết, trên chuyến xe khách từ các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu đến TPHB người đã chật như nêm. Trong những chuyến xe đó, phần lớn là những người dân kết thúc chuyến du xuân trở về thành phố để bắt đầu công việc.
 
Sau Tết còn có nhiều lễ hội, gần nhất là ngày lễ tình yêu Valentin rồi đến rằm tháng giêng..., nhu cầu mua sắm của người dân lại bắt đầu tăng nên hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố đã sớm đi vào hoạt động. Theo đó, đội ngũ nhân viên cũng phải gác lại chuyện vui xuân để tiếp tục công việc. Vậy là theo nhịp sống công nghiệp hối hả đã và đang lan dần từ thành thị đến nông thôn và ngày càng có thêm nhiều những người dân không còn ý niệm “ tháng giêng là tháng ăn chơi” mà đã quen dần với câu thành ngữ mới được đọc chệch: “ tháng giêng là tháng làm ăn”!