DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Những kết quả tích cực trong Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025

10/07/2024 14:27
Được sự quan tâm chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp việc tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (Chương trình 809) và Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 1719) đạt được những kết quả nhất định. Diện tích trồng rừng hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch giao; diện tích trồng cây gỗ lớn và năng suất, chất lượng trồng rừng tăng dần qua các năm; an ninh rừng giữ vững, góp phần tích cực vào công tác đảm bảo an ninh môi trường.
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững góp phần cải thiện môi trường sinh thái, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Để triển khai hiệu quả Chương trình, ngay từ năm 2021, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành các văn bản thực hiện. Kịp thời phân bổ chi tiết kinh phí sự nghiệp cho các đơn vị, địa phương. Căn cứ Kế hoạch và hướng dẫn của tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đăng ký diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng cần hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng theo quy định; rà soát diện tích rừng tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới để tổng hợp nhu cầu kinh phí theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh; ban hành hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nội dung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc tiểu dự án 1, Dự án 3. Đồng thời, hướng dẫn công tác kiểm tra, nghiệm thu và thanh quyết toán vốn sự nghiệp hàng năm theo quy định.

Sau 3 năm triển khai, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tại các xã ngoài khu vực II, khu vực III theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững được 33.400. Trong đó, có 21.200ha rừng phòng hộ; 565ha rừng đặc dụng; 11.500ha rừng sản xuất. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng đặc dụng theo quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ được 29.300ha; hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng được 1.800ha.

Công tác phòng, chống cháy rừng được tăng cường. Hiện các lực lượng chức năng gồm: Công an, Quân sự, Kiểm lâm tăng cường phối hợp, triển khai các hoạt động hướng về cơ sở. Qua đó vừa đảm bảo vệ an ninh, chính trị- trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, vừa bảo vệ và phòng, chống cháy rừng. Ngoài ra, cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn các địa phương xây dựng, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 150 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã; 27 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của chủ rừng là tổ chức và trên 12.300 phương án phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn 1.200 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng thường xuyên được kiện toàn. Hiện có hơn 7.600 người tham gia. Cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, củng cố, tu sửa trên 120 km đường băng trắng cản lửa; bảo dưỡng và lắp đặt mới các bảng biển tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Do làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn tỉnh không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định 51,5 %.

Từ những kết quả sản xuất và phát triển rừng hàng năm cho thấy năng suất, chất lượng rừng ngày càng tăng. Diện tích trồng rừng sản xuất toàn tỉnh đạt trên 17.800ha tại các xã ngoài khu vực II, khu vực III. Bao gồm 9.700ha rừng trồng mới và 8.100ha rừng trồng lại sau khai thác. Diện tích trồng rừng gỗ lớn khoảng 7.800ha; năng suất rừng trồng đạt từ 16-19m3/ha/năm. Diện tích trồng cây phân tán được 3.500 cây các loại. Sản lượng gỗ rừng trồng đạt 3.300m3 và cây trồng phân tán đạt 71.000m3. Tỉnh đang hỗ trợ chủ thể sản xuất phát triển trên 135ha lâm sản ngoài gỗ, với loài cây Luồng, tre bát độ để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất măng đóng gói xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ban Quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên đã thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học; tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần cải thiện đời sống cho người dân sống tại các Khu Bảo tồn thiên nhiên. Hiện tỉnh đã phê duyệt và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững tại 4 khu bảo tồn thiên nhiên. Công ty lâm nghiệp Hòa Bình; Công ty BVN Hòa Bình; Công ty TNHH Sơn Thuỷ đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được cấp chứng chỉ khoảng 16.000 ha.

Để triển khai hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 3, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng Nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ; rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giao cho các Công ty lâm nghiệp quản lý và do UBND các xã, phường thị trấn quản lý được 46.900ha. Ngoài ra, thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, giao cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý trên 70.100ha. Các hoạt động hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Dự án bảo vệ phát triển rừng tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt theo Quyết định số 1505/QĐ-UBND ngày 26/7/2022 sử dụng vốn đầu tư công không phân biệt khu vực. Trong giai đoạn 2021-6/2024, toàn tỉnh trồng rừng phòng hộ 444,01 ha tại các xã khu vực II, khu vực III từ nguồn kinh phí từ nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và nguồn vốn tự có của chủ rừng. Tiểu dự án 1, Dự án 3 chủ yếu hỗ trợ khoản bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho các chủ rừng, không thực hiện hỗ trợ trồng rừng phòng hộ.

Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đạt những kết quả tích cực. Rừng được bảo vệ tốt, diện tích rừng trồng tập trung mỗi năm từ 6.000 - 8.000ha. Qua đó đã cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò của kinh tế rừng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.