DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Những kết quả tích cực trong chăn nuôi bền vững

22/11/2021 00:00
Là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển chăn nuôi như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn, diện tích đất tự nhiên, vùng sinh thái đa dạng; hệ thống đường giao thông phát triển nối liền với thủ đô Hà Nội và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những năm qua, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng hiệu quả, bền vững.
Hiện nay, tổng đàn trâu toàn tỉnh hiện có 115.660 con, đạt 99,99% so với cùng kỳ năm 2020

Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 100 trang trại chăn nuôi tập trung công nghiệp, cơ bản các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị gia tăng có lợi thế của từng địa phương gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng đàn trâu hiện có 115.660 con, đạt 99,99% so với cùng kỳ năm 2020; Bò 86.630 con, đạt 101,93% so với cùng kỳ; Lợn 461.126 con đạt 103,2% so với cùng kỳ; Gia cầm 8.428.000 con đạt 104,98% so với cùng kỳ; Dê 51.365 con đạt 100,16% so với cùng kỳ; Đàn chó nuôi 145.860 con; Đàn ong 59.340 tổ.

Về chăn nuôi tập trung công nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có 03 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 4.000-7000 con bò thịt, số con xuất chuồng từ đầu năm đạt 22.750 con với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 11.375 tấn và 03 trang trại chăn nuôi vỗ béo bò BBB tại huyện Lạc Thủy quy mô 100-200 con với sản lượng thịt hơi 520 tấn/năm. Toàn tỉnh có 71 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó: có 59 trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm quy mô lớn từ 3.000-40.000 con/chuồng/lứa; 07 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô 5.000-120.000 con; 05 cơ sở chăn nuôi gà giống quy mô từ 10.000-170.000 con. Có 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300 - 3.000 con với tổng số 20.700 con lợn nái cung cấp khoảng 207 nghìn con giống/lứa, 517,5 nghìn con giống/năm, 44.680 con lợn thịt và hậu bị, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.042 tấn/năm. Có 14 trang trại chăn nuôi dê quy mô nhỏ từ 60 - 200 con.

Hiện nay cơ bản các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi đúng theo quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: mô hình HTX liên kết sản xuất tiêu thụ gà Hương Nhượng; HTX liên kết sản xuất tiêu thụ gà Lạc Thủy; HTX Liên kết tiêu thụ dê huyện Lương Sơn và Lạc Thủy; HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Lợn Bản địa Hồng Vân, huyện Lương Sơn....  Các HTX chăn nuôi phát triển cả về quy mô và số lượng từng bước hình thành nguồn cung ổn định cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện đang có nhiều các hộ, trang trại chăn nuôi phát triển một số giống vật nuôi bản địa như: Gà Lạc Thủy, Dê và Lợn bản địa...; đã xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm "Gà Lạc Thủy", "Gà lạc Sơn", "Lợn Bản địa Đà Bắc" "Dê Lạc Thủy". Đã có 03 sản phẩm chăn nuôi gà và 03 sản phẩm mật ong được xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Để phục vụ cho chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 nhà máy với tổng công suất khoảng 675 nghìn tấn/năm, có 225 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người chăn nuôi. Phát triển trồng cây thức ăn xanh trên diện tích đất sản xuất cây lương thực, hoa màu kém hiệu quả, dự trữ chế biến thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho trâu, bò vào vụ đông.

Tuy nhiên, chăn nuôi còn phân tán, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao, áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi chưa đồng bộ, nhận thức của người chăn nuôi trong công tác cải tạo giống và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. Tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; tình hình bệnh Covid-19 xảy ra và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi xác định tiếp tục phát triển các loại giống vật nuôi chủ lực của tỉnh, chú trọng phát triển những sản phẩm có tiềm năng và lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường như Lợn bản địa, gà Lạc Thủy thả vườn (đồi)...; dê núi đá Hòa Bình... theo các chuỗi sản phẩm gắn thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành như chuỗi sản phẩm gà, lợn, dê,… với một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động nguồn lực phát triển hạ tầng xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, nhằm tạo bước đột phá cho phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường./.