
Trong 02 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh từng bước ổn định và phát triển; việc đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và đã phát huy hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh qua 2 năm là 3.965.626 triệu đồng (trong đó 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là 1.522.685 triệu đồng), thực hiện phân bổ vốn ưu tiên các công trình, dự án trọng yếu. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả. Nhiều nét về văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp được giữ gìn, phát huy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo.
Cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước các quy chế, quy ước, hương ươc khu dân cư. Phối hợp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, từng bước giảm dần các tệ nạn xã hội, tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn; tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trở thành lực lượng nòng cốt của các phong trào thi đua yêu nước.
Trong 2 năm 2019-2020 đã tổ chức dạy học, kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông, Thái cho 890 cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên. Duy trì các lớp truyền dạy các lớp dân ca, dân vũ, diễn xướng cho con em các dân tộc, cán bộ văn hoá cơ sở góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.. Qua các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của Nhân dân, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học được củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 532 trường học. 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có trường lớp từ mầm non đến THCS. Các huyện, thành phố trong tỉnh có từ 2 đến 4 trường THPT. Các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT, tạo điều kiện cho con em các dân tộc có môi trường học tập tốt.
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là người dân tộc tiếp tục được quan tâm, gắn việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Tỉnh đã mở 12 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 360 lao động nông thôn, thực hiện in 4200 cuốn số tay hỏi đáp chính sách pháp luật dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lắp đặt 04 cụm Pano tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tại các huyện: Cao Phong, Mai Châu, Yên thủy, Tân Lạc. Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, chữ dân tộc Mường cho các nhóm đối tượng. Thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được thực hiện đúng quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ là người dân tộc thiểu số tăng lên cả về số lượng và chất lượng; tham gia ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và huyện là 1.341/3.475 người, chiếm 38,58%; cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 41/61 đại biểu, cấp huyện 291/383 đại biểu, cấp xã 4378/5230 đại biểu; cán bộ là người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ quản lý có 163/322 đồng chí chiếm 50,62%. Cán bộ người dân tộc thiểu số được bổ nhiệm, điều chuyển, giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 51/62 đồng chí chiếm 82,25%.
Ngoài ra, các cấp, các ngành, các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn an ninh trật tự.
Việc tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách dân tộc đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có cơ hội vươn lên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo (giảm 2,8%, từ 11,36% năm 2019 xuống còn 8,56% vào năm 2020), cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước./.