Trong quy hoạch tổng thể KT-XH đến năm 2020, quan điểm chủ đạo của huyện là khai thác có hiệu quả nguồn nội lực kết hợp với gọi vốn đầu tư bên ngoài để đầu tư phát triển, trước hết cho tăng trưởng kinh tế. Về cơ cấu kinh tế, đến năm 2010, tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 40%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29%, thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 31% trong tổng giá trị SX. Phát triển nông nghiệp toàn diện, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề quan trọng, phấn đấu đạt sản lượng lương thực có hạt từ 43-44 nghìn tấn vào năm 2015 và từ 47- 48 nghìn tấn vào năm 2020. Sử dụng đất có hiệu quả, lựa chọn cây trồng phù hợp theo chiến lược phát triển kinh tế được xác định, mở rộng nuôi thủy sản. Phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, vận tải, đưa tỷ trọng cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm 1/3 trong cơ cấu kinh tế huyện; tập trung phát triển chế biến nông - lâm sản, khai thác, SX vật liệu xây dựng, tăng cường các nghề truyền thống như rèn, mộc, thổ cẩm, đưa tỉ trọng ngành CN-TTCN tương đương với tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ. Gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội; phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; phát triển yếu tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống đô thị, thị trấn, thị tứ và các trung tâm KT-XH. Phát triển bền vững gắn phát triển KT-XH với bảo vệ môi trường sinh thái.
Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Bùi Văn Tinh cho biết: Trong quy hoạch, Tân Lạc đã tập trung vào những điểm nhấn quan trọng, phát triển nông nghiệp bền vững, khai thác tiềm năng du lịch.
Điểm nhấn đầu tiên là phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hoàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp xuống dưới 40% vào năm 2015. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tiêu chí xây dựng NTM, hiện, Tân Lạc đang xây dựng trung tâm dạy nghề huyện với số vốn đầu tư 27 tỷ đồng. Người lao động được đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực cho nhà máy ở các khu CN theo phương châm nông dân cần gì thì đào tạo, đào tạo tại chỗ để nông dân có nghề. Vừa qua, huyện tổ chức đào tạo các lớp về nông nghiệp như trồng mía, lúa. Huyện sẽ giữ nguyên diện tích lúa hiện nay, hướng của tỉnh là đưa cây gai vào trồng có năng suất cao gấp 3 lần cấy lúa, ổn định ở mức 200 ha, vụ đông - xuân năm 2012 sẽ thực hiện làm điểm ở xã Địch Giáo. Huyện đã quy hoạch vùng SX chuyên canh như xã Phú Vinh phát triển chủ yếu là cây mía tím, Phú Cường phát triển ngô. ở vùng cao hướng tới SX rau sạch. Trên cơ sở đất của bà con đang trồng, hiện có một DN tư nhân nhận thầu toàn bộ diện tích trồng su su của nhân dân các xã vùng cao, sẽ kết nạp toàn bộ người dân vào xã viên HTX, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Điểm thứ hai là phát triển CN cả theo bề rộng và chiều sâu, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng NTM. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, công trình thủy lợi, huy động vốn ngân sách. Trong kết cấu hạ tầng đặc biệt chú ý xây dựng hạ tầng vật chất để phát triển dịch vụ. Quy hoạch chi tiết cụm CN Phong Mỹ và Đông Thanh để phát triển, kêu gọi dầu tư. Hiện đã có nhà máy SX tinh bột hoạt động, sắp tới có 2 dự án đầu tư là nhà máy gạch tuy nen và nhà máy ván sàn MDF công suất 80.000 m3/năm. Phấn đấu đến năm 2015 có 3 nhà máy SXKD có hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm.
Điểm thứ ba là phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng hệ thống đô thị, thị trấn, thị tứ thành các trung tâm KT-XH, làm hạt nhân thúc đẩy các vùng nông thôn phát triển. Huyện đã quy hoạch xây dựng khu Trung tâm thương mại ở trung tâm Mường Khến. Hiện đang xúc tiến giải phóng mặt bằng để đầu tư, huyện giao cho chi hội phát triển DN huyện thực hiện dự toán 45 tỷ đồng, diện tích 1.200 m2. Đồng thời, quy hoạch xây dựng 2 điểm trung chuyển hàng hóa thiết yếu từ Hà Nội lên Tây Bắc.
Điểm thứ tư là phát triển mạnh du lịch sinh thái văn hóa tâm linh theo hướng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác giá trị văn hóa các lễ hội truyền thống như lễ hội Khai hạ Mường Bi, lễ hội đánh cá Lỗ Sơn. Sắp tới tổ chức lễ hội đánh cá ở Tử Nê. Khai thác du lịch lòng hồ ở xã Ngòi Hoa... Để đảm bảo cho ngành du lịch phát triển, huyện chủ trương nâng cấp các di tích văn hóa như động Tớn, xã Nam Sơn phải đảm bảo giữ được tổng thể quy hoạch, tôn trọng tự nhiên, giữ lại các làng nghề truyền thống để phục vụ du khách.
Để những điểm nhấn này thực sự phát huy các giá trị bền vững, huyện Tân Lạc đã lập quy hoạch chi tiết các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, sắp xếp hợp lý các thứ tự ưu tiên để tạo lực phát triển KT-XH toàn diện.