DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Những chuyển biến trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên đia bàn tỉnh

12/01/2010 00:00

Trong những năm gần đây, Hòa Bình vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao. Hiện tại tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng trên tuổi trong tỉnh lên tới gần 26%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiều cao trên tuổi chiếm gần 32%, ở một số huyện như Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, tỷ lệ trẻ em thấp còi cũng chiếm số lượng cao.

Các cháu trường mầm non xã Yên Quang – Lương Sơn luôn được chăm sóc chu đáo trong các bữa ăn

 

Ông Phạm Ngọc Tùng, Giám đốc Trung tâm chăn sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Hiện nay, Hòa Bình là 1 trong 15 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất toàn quốc. Nguyên nhân là do Hòa Bình là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thậm chí còn có địa phương tình trạng thiếu ăn vẫn xảy ra. Chất lượng bữa ăn không đảm bảo là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức và phong tục tập quán vẫn còn lạc hậu, ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ. Theo khuyến cáo, bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nhưng qua điều tra của Trung tâm thì toàn tỉnh mới có khoảng 10 % bà mẹ cho trẻ bú theo khuyến cao, còn có những vùng bà mẹ sau khi sinh chỉ 1 tháng là đã đi làm nên cho trẻ ăn sam, ăn thêm ngày từ lúc trên 1 tháng tuổi. Chính vì vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở các vùng đó rất là cao.         
 
Để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống khoảng 20% vào năm 2010, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chiến lược phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trên quy mô toàn tỉnh, nhiều giải pháp can thiệp nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng đã được ngành y tế triển khai như : Hoạt động tuyên truyền, truyền thông giáo dục tại cộng đồng, nói chuyện trực tiếp, thành lập các mô hình câu lạc bộ phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Ngoài ra, Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh còn phối hợp với Trung tâm y tế củng cố đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng và chuyên trách dinh dưỡng. Thực hiện cải thiện chất lượng sinh dưỡng và sức khỏe đối với bà mẹ, đặc biệt là bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Tăng cường phổ biến kiến thức cho các bà mẹ, cộng động người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt quan tâm tới trẻ dưới 2 tuổi là những đối tượng rất nhậy cảm và rất hay bị suy dinh dưỡng.
 
đến nay có khoảng gần 80% phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi ở các xã thị trấn được truyền thông và thực hành về sinh dưỡng. Riêng năm 2009, toàn tỉnh đã tổ chức được hàng trăm buổi sinh hoạt câu lạc bộ dinh dưỡng, thu hút được nhiều chị em phụ nữ tham gia. Hàng tháng, các bà mẹ có thai hoặc có con dưới 5 tuổi đều được các cộng tác viên dinh dưỡng hướng dẫn thực hành dinh dưỡng và tư vấn về phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm. Trao đổi về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ địa phương, chị Nguyễn Thị Sen, Phó khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản huyện Đà Bắc cho biết : Hàng tháng, cán bộ của trạm y tế xã phối hợp với y tá thôn bản của các xóm tổ chức các buổi họp nhóm phối hợp cân trẻ hàng tháng để biết rõ tình trạng của đứa trẻ, từ đó đối ngũ này sẽ có hướng tư vấn cho người nhà cách chăm sóc trẻ đúng cách. Ngoài ra, các trạm y tế xã trong huyện Đà Bắc còn phối hợp tổ chức các buổi thực hành hướng dẫn cho trẻ ăn bổ xung hợp lý đến tận thôn bản...
 
Bằng các hình thức tuyên truyền mới mẻ phong phú trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhận thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của một một số địa phương trong tỉnh đã giảm đáng kể. Cụ thể như xã Phú Cường huyện Tân lạc. Năm 2005, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn chiếm gần 30% nhưng đến năm 2008 đã giảm xuống chỉ còn gần 24%. Chị Nguyễn Thị Loan, chuyên trách dinh dưỡng của xã Phú Cường huyện Tân lạc cho biết: những quan điểm lạc hậu như chữa bệnh cho trẻ bằng các lá cây hay không cho trẻ bú mẹ sau khi sinh đã được người dân ở đây thay đổi.
 
Tuy tỷ lệ trẻ suy dinh dương trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao, nhưng với các hoạt động tuyên truyền cụ thể phù hợp với từng đối tượng, công tác này đã đạt được những kết quả khả quan. Điều đó được thể hiện ở nhận thức, hành vi của người dân trong cộng đồng trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện sức khỏe, giảm tử vong bệnh tật và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cộng đồng.