Để vào được những bãi vàng thuộc địa phận xã Kim Sơn, chúng tôi phải nhờ một người dân địa phương dẫn đường và đóng vai những người đi buôn gỗ mới có thể vào thẳng đồi hoặc vào rừng keo ven suối - nơi diễn ra các hoạt động khai thác vàng mà không bị ai tra hỏi, để ý. Đi đến đầu xóm Mõ, điều mà ai cũng có thể nhìn rõ đó là dòng nước suối nhuốm màu đỏ quạch cùng những khu ruộng bị lật tung trở thành bãi đất đá lộ thiên… Men theo con suối, chúng tôi đếm được gần chục chiếc máy đang miệt mài xúc đất từ những khu ruộng đổ vào một chiếc sàng có gắn động cơ chạy hết công suất để đãi đất, cát tìm vàng. Người dẫn đường cho biết: “Từ hôm có đoàn đại biểu HĐND tỉnh và huyện đến tiếp xúc cử tri tại xã, số lượng máy xúc cũng đã đỡ đi nhiều, chứ mọi khi phải có tới vài chục chiếc chạy ầm ầm suốt ngày đêm”.
Rời xóm Mõ, chúng tôi men theo con đường đất để đến với xóm Muôn (làng có cổng chào ghi rõ hàng chữ Làng văn hóa). Không xa, đồi Lộ Lèng hiện ra sừng sững với những tiếng nổ inh tai của mìn và máy khoan dồn dập. Đi sâu chừng vài trăm mét là một quang cảnh hết sức sống động. Từ chân đồi chỉ có một con đường độc đạo dựng đứng lên tới đỉnh đồi và ở đó có tới vài chục người, cả phụ nữ đang đứng lăn, kéo những tải đất xuống chân đồi để bốc xếp lên xe ô tô chở về xóm Muôn. Tại đây, có khoảng 8 - 9 chiếc máy nghiền đất vận hành bằng mô tơ hoặc đầu máy diezen chờ sẵn, người dân chỉ việc chi trả 15.000 đồng để nghiền một tải đất. Sau đó đất, cát được đổ lên một chiếc chớp có lót tấm niken phủ bạc, tráng một lớp thủy ngân. Khi đất, cát chảy qua, vàng gặp thủy ngân sẽ đọng lại, khi tách vàng và thủy ngân người ta cần tới một thứ bột chua mà hầu hết người dân không biết đó là chất gì. Chỉ biết rằng sau khi đã tách đất, cát, vàng ra riêng biệt thì vàng sẽ được đem đi cô lại, cát được gom lại để bán, còn đất thì được chất đống bừa bãi mặc cho mưa xối, làm những chất độc hại lan tỏa ra môi trường.
Người dẫn đường cho biết thêm: Hoạt động khai thác vàng ở xã Kim Sơn đã diễn ra từ nhiều năm nay. Từ chỗ khai thác, vận chuyển, lọc, sàng thủ công đến nay cơ bản chuyển sang sử dụng máy móc, công nghệ nên sự tàn phá về tài nguyên, môi trường càng rõ nét hơn. Hiện nay, người dân đang khai thác vàng ở đồi Lộ Lèng, Mường Độm và đồi Láo, còn các khu đồi khác như Chóng Khoai, Bưa Lai... đã khai thác từ trước, giờ lòng núi đã biến thành những hầm địa đạo. Nhìn những ngọn đồi vững chãi vậy thôi nhưng bên trong đã rỗng tuyếch, nhiều chỗ vết nứt đã lọt cả bàn chân người. Như vậy, hiểm họa sập núi đang cận kề. Hơn thế, nguồn nước chảy từ trên đồi xuống khu dân cư giờ đây luôn đặc váng dầu mỡ khiến người dân không dám sử dụng.
Không chỉ ở trên đồi cao và những nơi xa xôi, hẻo lánh mà ngay các khu ruộng của khu dân cư thuộc xã Kim Sơn lúc nào cũng có khoảng 10-20 nhóm người dùng cuốc, xẻng, xà beng để đào bới các khu ruộng. Thoạt nhìn tưởng rằng người dân đang đào đắp các công trình thủy lợi để tích nước chuẩn bị cho mùa gieo cấy. Nhưng tới gần tìm hiểu chúng tôi mới biết ở đây gần như ai có ruộng, có vườn thì cứ việc đào bới tìm vàng hoặc bán cho người khác, trong khi đó chính quyền địa phương không hề có ý kiến. Nhìn những khu ruộng, vườn, đồi núi bị đào bới tứ tung, những người ở nơi khác nhìn vào có cảm giác xót xa, nhưng dường như người dân nơi đây không mấy quan tâm vì họ chỉ nhìn tới cái lợi trước mắt mà chưa nghĩ đến những hệ lụy lâu dài. Những lúc nông nhàn người người, nhà nhà đi đào vàng, cùng với đó là một số lượng không nhỏ người dân tứ xứ đến đây khiến cho tình hình an ninh trật tự của xã trở nên hỗn độn.
Chúng tôi rời xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi (Hoà Bình) khi trời chập choạng tối. Tiếng máy nghiền, máy nổ vẫn âm vang, xé tan không gian trong lành và cuộc sống bình yên vốn có của người dân nơi đây. Không biết thực trạng khai thác vàng trái phép ở Kim Sơn khi nào mới chấm dứt?.