DetailController

Văn hóa

Nhọc nhằn nghề “ Đổi lá khô lấy tiền thật”

15/09/2011 00:00
Không biết từ bao giờ, việc này đã trở thành cái nghề của nhiều người dân trên các làng quê nghèo, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu qua đi, những búp măng bương đã bắt đầu chuyển thành cây, mọc ra những cành lá to, dài, ở nhiều làng quê, những người dân lại tất tưởi chuẩn bị đồ nghề để bắt đầu với công việc mới, nghề lấy lá bương.
việc sấy lá bương cũng không hề dơn giản

Gọi là nghề cũng đúng bởi nhờ nghề leo trèo này mà bao nhiêu gia đình đã bớt đi được gánh nặng của miếng cơm manh áo trong những lúc khó khăn nhất. Không cần vốn liếng, chỉ cần có sức khỏe, chịu khó, một cây sào có móc sắt hoặc cái liềm để giật lá là có thể đi khắp cánh rừng này đến ngọn núi khác. Nói thì đơn giản nhưng nghề này cũng có không ít gian truân, vất vả, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Bà Nguyễn Thị Mây, một người cũng nhiều năm gắn bó với nghề này xã Thanh Lương (Lương Sơn) cho biết: Không nhớ rõ cái nghề này có từ bao giờ, cũng không biết thương lái mua để làm gì, chỉ nhớ có một ngày đã lâu lắm, có một vài người đến làng hỏi mua lá bương rồi họ bày cách để lấy lá, cách phơi, sấy rồi đóng gói…Bà bảo cái gì chứ lá bương khi đó thì đầy rừng, người già, trẻ con cũng đi lấy được nhưng  khi lấy về đầy nhà mới hay, họ chỉ mua những lá to, đẹp, có phân loại I, loại II, loại III…rồi phơi chưa đủ nắng, phải phơi sương, phải sấy qua lửa, biết bao nhiêu công đoạn. Những người  có ruộng nương, có việc phụ khác chẳng bao giờ họ làm cái nghề này, bởi theo như nhiều người thường xuyên theo nghề này cho biết: nghề này cũng là một trong nhiều nghề khổ nhất, nặng nhọc nhất chứ không nhàn nhã gì, cũng leo trèo, cũng luồn lách rừng sâu, núi cao. Chị Bùi Thị Tâm ở xã Thanh Lương cho hay, cái nghề này vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, đi vào những nơi nào có rừng bương, phải leo trèo, rặm ngứa lắm. Không phải lúc nào và chỗ nào cũng có, cả ngày phải ngước cổ lên săm soi, tìm tòi những cành lá to rồi dùng cái móc sắt, liềm giật xuống, phải làm sao để lấy được thật nhiều khi trời còn mát bởi để đến trưa nắng lá quăn lại không bó được. Khi lấy được lá bương về không phải đã bán được ngay phải dùng những chiếc kẹp dài rồi kẹp hai, đến sáu lá, úp vào nhau giống như kẹp con cá để nướng, cũng chính vì cách làm này mà nhiều người vẫn gọi đây là nghề kẹp cá cho sang, xong rồi phải mang đi phơi nắng, chiều lại bốc mang vào nhà, tối lại mang ra phơi sương cho lá nở ra và có màu đẹp mắt hơn. Chị Tâm than thở: Những hôm nào trời nắng còn phơi được, những hôm trời mưa phải dùng củi để sấy đến khuya rồi lại đem để phơi sương. Việc phơi nắng, sấy rồi phơi sương cũng không phải làm thế nào cũng được, phải phơi làm sao cho lá vừa đủ chín, có màu đẹp, việc phơi sương cũng phải phơi vừa đủ để lá nở to hết cỡ như lúc còn tươi, độ ẩm vừa đủ và có màu trắng như có bụi phấn đẹp mắt. Khâu cuối cùng là gỡ lá ra rồi phân ra từng loại I, loại II… và bó thành từng những nắm nhỏ sau đó đem bán cho những người thu mua.

 

Nghề lấy lá bương chỉ có thể làm vào cuối mùa hè, trong một thời gian ngắn, khoảng cuối tháng 6 đến tháng 8, tháng 9 là hết, bởi chỉ khi vào mùa mưa, những cành bương non mới đâm chồi, nảy lộc, những cành lá to gần như hai bàn tay người lớn xòe ra bắt đầu xanh già, nếu để lâu lá sẽ vàng úa, không ai mua thứ lá này làm gì, vì vậy phải làm gấp gáp để kịp “mùa vụ”.

Những người đi lấy lá bương cũng phải chịu nhiều nguy hiểm và rủi ro. Chị Bùi Thị Tâm, xã Thanh Nông (Lạc Thủy) nhớ lại: Một buổi sáng, khi chị đang ngồi trên những cành cây bương để giật lá, khi quay lại, một con rắn xanh lè đang hướng về phía chị, chưa kịp phản ứng thì con rắn mổ chị một cái rồi trườn đi, hoảng hốt chị gọi mấy người cùng đi đưa về nhà lấy thuốc, mất mấy tuần mới khỏi. Còn chị Bùi Thị Hà ở thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) thì cho hay: Ở quê chị, chuyện đi lấy lá bương mà gặp phải rắn rết là chuyện bình thường. Chị kể về tai nạn của chính mình trong một lần đi lấy lá bương năm ngoái, khi chị trèo lên ngọn cây bương, đang ngồi giật lá, bất ngờ ngọn cây gẫy, chị không biết gì nữa, khi tỉnh lại chị thấy mình đang nằm trong bệnh viện đường 21 với 5 mũi khâu trên đầu, chị chỉ nghe mọi người kể lại là chị rơi đập vào hòn đá. Đó là những nguy hiểm trong công việc, còn khi đã lấy được lá về nhà không phải đã xong. Chị Hà kể: Có lần khi đang sấy lá bương, vì sơ ý nên bất ngờ để ngọn lửa bốc lên, chị hô mọi người dập lửa giúp nhưng không kịp, chỉ vì một chút sơ ý mà cả tạ lá bương hơn triệu bạc bốc thành…lửa. Đó chưa phải đã hết, ngoài chuyên lửa cháy, việc sấy làm sao cho lá đủ khô mà có màu đẹp cũng không đơn giản. Có lần do ngủ quên, khi tỉnh dậy lá đã ướt sũng, vội vàng mang vào nhà gỡ ra, bó lại để mang đi bán, đến nơi, người ta liền trả mang về vì lá ướt quá, mốc xanh mốc đỏ, thế là mất toi hơn một tạ lá khô mấy triệu bạc.

Chị Hà cho biết thêm: Biết cái nghề này vất vả, nguy hiểm và rủi ro nhưng không có ruộng nương, không có việc gì làm, vì miếng cơm, manh áo thì phải làm thôi. Mỗi mùa lá bương đến, họ lại lặng lẽ lên rừng, âm thầm với cái nghề vất vả mà theo như họ nói là nghề “ đổi lá khô lấy tiền thật”