DetailController

Giáo dục

Nhìn lại 66 năm phong trào bình dân học vụ tỉnh Hòa Bình

12/09/2011 00:00
Tháng 9/1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, cả nước có 95% dân số bị mù chữ. Trước tình hình đó, ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó có việc chống nạn mù chữ.
Lớp học bình dân học vụ tại huyện vùng cao Đà Bắc. ảnh: T.L

Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để trông coi việc học trên toàn cõi Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 8/9/1945 trở thành ngày khai sinh ra hệ thống giáo dục thường xuyên (GDTX) hiện nay.

 

Cùng với cả nước, phong trào bình dân học vụ của tỉnh đã có bước phát triển mạnh. Công  tác xóa mù chữ  đã trở thành  một bộ phận của cách mạng và  gắn với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của tỉnh. Phong trào “Đi học là yêu nước - dạy học là yêu nước”, “Mỗi lớp học là một tổ tuyên truyền kháng chiến”, “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt”, “Chống nạn mù chữ đi đôi với sản xuất tăng gia” bước đầu đã động viên, cổ vũ, khích lệ  cán bộ, nhân dâc các dân tộc trong tỉnh tích cực, hăng hái hưởng ứng mạnh mẽ. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã nô nức đi học các lớp xóa mù chữ với phương châm: con dạy cha, vợ dạy chồng, người biết chữ dạy người không biết chữ. Do làm tốt công tác xóa nạn mù chữ, đến tháng 11/1948, xã Thanh Nông được Bác Hồ gửi thư khen. Trong thư có đoạn viết: “Xã Thanh Nông có vinh hạnh là xã đầu tiên đã xoá xong nạn mù chữ, tôi khuyên đồng bào cố gắng học thêm và hăng hái xung phong thi đua ái quốc để diệt giặc đói và giặc ngoại xâm cũng như đồng bào đã hăng hái diệt giặc dốt vậy. Tôi lại mong đồng bào các xã khác trong tỉnh Hoà Bình cố gắng thi đua với xã Thanh Nông làm cho tỉnh ta tiến bộ và vẻ vang”.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, đến năm 1960, Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên xoá xong nạn mù chữ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Ngày 1/7/1961, Bác Hồ đã gửi thư cho đồng bào, cán bộ, giáo viên trong tỉnh, trong đó, Người dạy: “Tôi rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ gửi lời khen ngợi tỉnh nhà, là tỉnh miền núi đầu tiên xoá xong nạn mù chữ... Thắng lợi vẻ vang đó là do sự cố gắng của toàn thể đồng bào và cán bộ, do chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ ta... Nhưng đồng bào và cán bộ ta chớ vì thắng lợi mà tự mãn. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… ”.

 

Phát huy thành tích đạt được trong công tác xoá nạn mù chữ, trong những thập kỷ 60, 70, toàn tỉnh lại dấy lên phong trào bổ túc văn hóa với những nội dung đa dạng, phong phú, từ công sở đến các HTX, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng, cán bộ, thanh niên, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình lại thi đua đi học các lớp bổ túc văn hóa. Hàng năm, tỉnh đã huy động được 1.500 người tới các lớp học vào ban ngày cũng như ban đêm. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu “Sản xuất là khoá, bổ túc văn hóa là chìa”, “Sắc tay bút, súng cao nòng, tốt ruộng đồng, diệt thắng Mỹ”. Bổ túc văn hóa đã được đưa lên vị trí hàng đầu trong công tác giáo dục thời bấy giờ.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV nêu rõ: “Trong toàn bộ công tác giáo dục phải thực sự đưa bổ túc văn hóa lên hàng đầu, nhất là bổ túc văn hóa cho cán bộ xã và HTX để góp phần tích cực vào đào tạo cán bộ phát triển sản xuất”.

 

Thời kỳ này, các điển hình tiên tiến xuất sắc xuất hiện khá nhiều. Tiêu biểu là xã Thu Phong (Cao Phong) -  đơn vị đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, trở thành lá cờ đầu bổ túc văn hóa miền núi. Xã Định Cư (Lạc Sơn) là nơi  một thời vang vọng lời ca:“Định Cư chín xóm ba vòng/ Một tuần hai buổi song song học đều”.

 

Ngoài ra  còn có các đơn vị tiêu biểu cho phong trào bổ túc văn hóa như: xã Địch Giáo (Tân Lạc), ân Nghĩa (Lạc Sơn), Nông trường quốc doanh 2/9 (Yên Thuỷ), trường bổ túc văn hóa  cấp II, III thị xã Hòa Bình, trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình, trường cấp II, III Hoàng Văn Thụ... Đặc biệt là phong trào giáo dục xã Ngổ Luông (Tân Lạc) đã hoàn thành phổ cập cấp II trong toàn xã, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

 

Trong những năm đầu của thập kỷ 80, thực hiện Chỉ thị 115/CT-CP của Chính phủ và chương trình ánh sáng văn hoá miền núi, huyện Yên Thuỷ là đơn vị có nhiều thành tích dẫn đầu trong toàn tỉnh về phổ cập cấp II cho cán bộ và thanh niên trong huyện. Từ đầu thập niên 90, bước sang giai đoạn cách mạng mới, nhu cầu học tập của các đối tượng  ngày càng tăng, hệ thống GDTX trong tỉnh được củng cố và phát triển, nhất là từ khi tái lập tỉnh tháng 10/1991 đến nay. Ban chỉ đạo xóa mù chữ từ tỉnh xuống đến các xã, phường, thị trấn được thành lập. Từ đó đến nay, hàng năm, tỉnh đã huy động được trên 20.000 lượt người đi học các lớp xóa mù chữ. Năm 1995, tỉnh đã được Nhà nước công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH-CMC, là tỉnh miền núi thứ 2 và là tỉnh thứ 13 trong cả nước đạt chuẩn về công tác này.

 

Trong quá trình thực hiện xóa mù chữ, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu cho phong trào như: xã Hoà Sơn (Lương Sơn), Đông Lai (Tân Lạc), Đồng Nghê (Đà Bắc), Hương Nhượng (Lạc Sơn), Thống Nhất (TXHB)... Hình ảnh thầy giáo thương binh Bùi Văn Tròn với một bàn chân gỗ kiên trì vận động học viên ra lớp xoá mù chữ, thầy giáo Nguyễn Trịnh Kiền (Kỳ Sơn) đã nghỉ mất sức vì đau yếu bệnh tật, hai lần mổ dạ dày, một mắt hỏng vẫn hăng hái tham gia dạy các lớp xóa mù chữ  đã dày công nghiên cứu, sáng tạo phương pháp dạy học qua lời bài hát đã thu hút nhiều người học sẽ mãi mãi là những hình ảnh ghi đậm trong trang sử chống mù chữ của tỉnh.

 

Công tác xóa mù chữ hiện nay là sự kế thừa và phát huy cao độ phong trào bình dân học vụ những năm xưa. Hiện nay, biết chữ phải hiểu là đã hết mức III (tương đương với trình độ lớp 3 tiểu học), đối tượng xóa mù chữ là người trong độ tuổi từ 15-35; phương pháp giảng dạy xóa mù chữ  được chú ý nâng cao chất lượng theo hướng phát huy cao vai trò chủ thể của người học, nội dung thiết thực do cuộc sống đặt ra.

 

Với những kết quả đã đạt được, năm 2003, tỉnh được Nhà nước công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS. Năm 2005, tỉnh được Nhà nước công nhận đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi.

 

Từ tháng 10/1991 đến nay, được sự quan tâm của tỉnh, của ngành, hệ thống các Trung tâm GDTX tỉnh, huyện, thành phố và Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp hướng nghiệp trong tỉnh được thành lập, củng cố, đi vào hoạt động ổn định với chất lượng ngày càng tốt hơn, tạo cơ hội cho mọi người được học tập văn hóa và học nghề. Các Trung tâm GDTX  tích cực tham gia, tư vấn, giảng dạy công tác xóa mù chữ  và các lớp bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, dạy nghề, truyền thông giáo dục DS/ KHHGĐ, phòng - chống tai - tệ nạn xã hội... Hoạt động của các Trung tâm GDTX đã thực sự có hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, phổ biến KH-KT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương, tích cực góp phần vào chương trình XĐ-GN của địa phương… Ngoài hệ thống TTGDTX, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn thành lập các Trung tâm học tập cộng đồng đã đi vào hoạt động ngày càng bài bản, nền nếp và chất lượng, góp phần quan trong thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh.

 

Phát huy truyền thống phong trào bình dân học vụ, hiện nay, toàn ngành GD&ĐT đang tích cực củng cố duy trì và nâng cao chất lượng PCGDTH-CMC, PCGDTH đúng độ tuổi, PCGDTHCS và từng bước thực hiện PCGD bậc trung học ở những nơi có điều kiện, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.

 

Nhìn lại phong trào bình dân học vụ 66 năm qua, chúng ta có quyền tự hào về GDTX của tỉnh đã đóng góp nhiều thành tích quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh và ngành GD&ĐT. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và ghi nhận công lao, thành tích của  các chiến sĩ bình dân học vụ năm xưa, những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của GDTX nói riêng và sự nghiệp GD& ĐT tỉnh nói chung.

 

Kỷ niệm 66 năm ngày Bình dân học vụ đặt ra yêu cầu đối với GDTX những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trước hết cần bám sát định hướng KT-XH của địa phương, phải có cách học mới, hình thức mới, nội dung mới; tích cực chủ động tham gia thực hiện PCGD. Tập trung thực hiện cập nhật kiến thức, công tác dạy nghề, chuyển giao công nghệ, chú ý phát triển ngoại ngữ, tin học cho mọi đối tượng, trong đó tập trung cho đối tượng là hàng vạn nông dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh.  Kỷ niệm 66 năm ngày bình dân học vụ, chúng ta có quyền tự hào, tin tưởng GDTX tỉnh nhà tiếp tục góp phần xứng đáng vào công cuộc CNH-HĐH trên quê hương Hòa Bình.