DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nhìn lại 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

24/05/2019 00:00
Tỉnh Hòa Bình có tổng số dân trên 83 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 73,3% dân số. Có 6 dân tộc sống quần cư tập trung: Dân tộc Mường chiếm 63,3%; dân tộc Kinh chiếm 27,73%; dân tộc Thái chiếm 3,9%; dân dộc Dao chiếm 1,7%; dân tộc Tày chiếm 2,7%; dân tộc Mông chiếm 0,52%, còn lại là các dân tộc khác. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhờ vậy, đời sống văn hóa và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được nâng lên.
Nhờ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trạm y tế trên địa bàn huyện Kim Bôi được xây dựng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại huyện 30a tập trung đồng bộ trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi và các công trình phục vụ dân sinh đều phát huy hiệu quả sau đầu tư, phục vụ cho sản xuất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hiệu quả thu được từ việc triển khai các hoạt động của dự án nhân rộng mô hình đó là góp phần tăng thu nhập của hộ nghèo lên 20%/ năm, tạo việc làm thêm cho các hộ nghèo tham gia dự án, giúp cho 100% các hộ tham gia mô hình được tập huấn bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ đó trang bị kiến thức sản xuất cho các hộ nghèo; các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ cây con, con giống, vật tư phân bón và những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, từng bước tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập.  Trong giai đoạn 2016 - 2018, nhờ nguồn vốn của Trung ương, địa phương cùng với việc huy động nhân dân đóng góp, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 460 công trình tại vùng 135 với tổng mức đầu tư là 243.940 triệu đồng, gồm: 259 công trình giao thông, 118 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt động đồng, 26 công trình trường học và hạng mục phụ trợ; 47 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sinh hoạt; 01 công trình điện và 09 công trình khác. Hiệ nay các công trình được đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đỏi bộ mặt nông thôn miền núi. Thông qua việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho huyện nghèo 30a và chương trình 135, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn, đến nay 100% nông thôn có điện lưới quốc gia và được phủ sóng phát thanh, truyền hình; có đường ô tô đi đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số thôn có đường giao thông; 100% trạm y tế được kiên cố hóa, trong đó 50% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017 - 2020.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã ngoài chương trình 30a và 135, giai đoạn 2016 - 2017, ngân sách địa phương phân bổ trên 3,2 tỷ đồng đã xây dựng được 13 mô hình, dự án tại 7 huyện, với 397 hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tham gia, thực hiện mô hình chăn nuôi dê, lợn, sinh sản, bò, gà thả vườn, cá lông thương phẩm,... Năm 2018, được phân bổ 1.540 triệu đồng xây dựng 4 mô hình dự án tại 4 huyện, với 100 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài với nguồn kinh phí phân bổ là 702 triệu đồng cho 2 huyện Kim Bôi và Đà Bắc; tổ chức 15 lớp tập huấn năng lực cho trên 2 nghìn cán bộ làm công tác xuất khẩu lao động và hỗ trợ trực tiếp cho 24 lao động đi xuất khẩu lao động.

Nhờ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động từng bước được nâng cao; cơ sở hạ tầng các xã, thôn đặc biệt khó khăn được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học được phát huy hiệu quả đầu tư; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình chính trị, quốc phòng an ninh được giữ vững, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân và thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới./.