Xác định nhiệm vụ hàng đầu là làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó đặc biệt chú ý đến chăm sóc sức khỏe cho trẻ - những mầm non tương lai của đất nước. Trong những năm qua, lãnh đạo Sở Y tế luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đến công tác tuyên truyền, vận động cũng như khám chữa bệnh cho người dân tại Pà Cò.
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Pà Cò là cơ sở vật chất của Trạm y tế xã khá khang trang. Nhà trạm được đầu tư theo Dự án UNFPA và Dự án Việt – Bỉ. Toàn trạm có 7 – 8 phòng làm việc, cơ sở hạ tầng kiên cố hóa. Nhà trạm sạch đẹp. Về nhân lực, trạm tạm đủ phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bác sỹ Lường Thị Lan Anh – Trạm trưởng trạm y tế Pà Cò cho biết: “Trong những năm qua, cán bộ trạm luôn nỗ lực trong công tác khám chữa bệnh cho trẻ trong toàn xã. Tuy nhiên do các hộ dân sống thưa thớt nên việc đi lại của cán bộ đén tuyên truyền vận động cha mẹ các cháu thực hiện những khuyến cáo về chăm sóc sức khỏe cho con em mình còn nhiều khó khăn.” Mô hình bệnh tật của trẻ tại Pà Cò trong những năm qua thường gặp là các bệnh về hô hấp, tiêu hóa. Trạm có bác sỹ, y sĩ sản nhi. Vì vậy đã làm cho người dân tin tưởng đưa con em họ đến khám chữa bệnh tại trạm y tế.
Được sự hướng dẫn nhiệt tình của Bác sỹ Lường Thị Lan Anh – Trạm trưởng trạm y tế Pà Cò chúng tôi đã có mặt tại trường mầm non Pà Cò đúng lúc các cô chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Cô hiệu trưởng cho biết: “Do đa số người dân nơi đây là hộ nghèo nên việc thu góp gặp rất nhiều khó khăn, mức ăn của các cháu chỉ có 8.000đ/cháu/ngày, trong thời giá như hiện nay khiến chúng tôi phải tính toán đến mức gắt gao để đảm bảo được dinh dưỡng cho các cháu”. Các lớp đều có thực đơn thường xuyên thay đổi các món ăn cho trẻ. Bộ phận nhà bếp của trường biết chọn mua thực phẩm tươi ngon, chế biến sạch sẽ nên trẻ được ăn ngon miệng, ăn hết xuất. Nhìn các cháu vui vẻ xúc cơm ăn mà không làm rơi vãi tôi thầm phục các cô giáo nơi đây.
Năm 2011, Pà Cò đã tổ chức được hai đợt thực hành dinh dưỡng trẻ em cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới hai tuổi. Đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng của xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và thực hành phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Các đợt cân trẻ đều đạt >95% và có sự giảm rõ rệt về tỷ lệ suy dinh dưỡng.