Huyện Đà Bắc có tổng diện tích tự nhiên gần 78.000 ha, trong đó, quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 60.000 ha, chiếm 77% diện tích tự nhiên của huyện. Đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế rừng. Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 30/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển bền vững rừng sản xuất đã tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Theo đó, huyện đã xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế rừng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả; chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh rừng, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, phục vụ chế biến gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Trong hơn 60 nghìn ha quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện, có hơn 25,9 nghìn ha quy hoạch rừng sản xuất, gồm: 7,7 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 10,4 nghìn ha rừng trồng, trên 7,7 nghìn ha đất đã trồng rừng chưa thành rừng. Hàng năm, huyện trồng từ 800 - 1.000 ha rừng sản xuất, chủ yếu là cây keo tai tượng thực sinh (chiếm trên 90%). Độ che phủ rừng của huyện hiện duy trì ổn định 61%. Phát triển rừng trên địa bàn huyện đang vận hành theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Mức độ đầu tư thâm canh rừng cũng được cải thiện.
Giai đoạn 2011-2016, năng suất rừng sản xuất đạt bình quân khoảng 50 m3/ha/chu kỳ, đến năm 2019 đạt 62 m3/ha/chu kỳ, năm 2020 tăng lên 66 m3/ha/chu kỳ. Năm 2022 năng suất tiếp tục được cải thiện, đạt 68 m3/ha/chu kỳ, tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình đạt 182,48 tỷ đồng, tăng 90,38 tỷ đồng so với năm 2019 (trước khi có Nghị quyết số 27-NQ/TU). Để nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và phát triển rừng sản xuất bền vững, huyện Đà Bắc hướng tới hình thành các chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Huyện tiếp tục chú trọng đầu tư thâm canh rừng, kéo dài chu kỳ sản xuất, kinh doanh cây gỗ lớn. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh rừng trồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, huyện Đà Bắc cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình tại xã Nánh Nghê, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt tập trung phát triển đàn dê núi. Kết quả đánh giá và khảo sát trong nhiều năm qua cho thấy hiệu quả kinh tế từ đàn dê núi trên địa bàn đem lại rất cao, do vậy xã phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ có sản phẩm đặc sản dê núi. Cụ thể, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và sự nhất trí của người dân, xã đã triển khai mô hình nuôi dê núi sinh sản theo hướng hàng hoá cho các hộ nghèo và cận nghèo. Nhờ đó, nhiều hộ không những thoát nghèo bền vững mà đã từng bước làm giàu trên vùng đất núi đá này.
Ngoài phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây lâm nghiệp cũng được Đảng ủy xã xác định trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong toàn nhiệm kỳ cũng như nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Đảng ủy xã và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xã. Do đó, bên cạnh việc phát triển đàn dê, xã Nánh Nghê cũng vận động người dân chú trọng phát triển lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã đã trồng một số loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương như: Trẩu, quế, bồ đề, xoan.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay, nhiều hộ dân ở xóm Duốc đang được hỗ trợ giống dê địa phương hay còn gọi là dê núi để chăm sóc. Để đàn dê phát triển tốt và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con, cán bộ khuyến nông xã đã cùng với Ban quản lý xóm đến từng hộ được nhận hỗ trợ để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Người dân xóm Duốc kỳ vọng, sau khi dự án kết thúc, các hộ được hỗ trợ sẽ thoát được nghèo. Đồng thời, tập trung nhân rộng các mô hình nuôi dê núi hiệu quả, bởi đây là giống địa phương nên rất phù hợp với khí hậu và điều kiện núi đá ở đây.
Trong nhiệm kỳ năm 2020-2025, xã Nánh Nghê phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 đến 5%/năm. Để hoàn thành các mục tiêu này, xã sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi bản địa; xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chuyển giao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Không chỉ giúp địa phương phát triển kinh tế từ chăn nuôi dê, huyện Đà Bắc cũng mở ra hướng sinh kế khả quan cho bà con địa phương từ nghề nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đà Bắc, tính đến năm 2022, toàn huyện có 1.066 lồng cá của 522 hộ dân; sản lượng hàng năm đạt trên 1.000 tấn, mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc có Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh Nông - lâm - thủy sản xóm Doi duy trì từ 18 - 20 lồng cá, thu nhập bình quân trên 350 triệu đồng/năm, tổ hợp tác xóm Ké duy trì từ 6 - 8 lồng, mang lại nguồn thu 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ ở các xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng mạnh dạn đầu tư nuôi từ 4 - 6 lồng cá, mang lại nguồn thu khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngoài các doanh nghiệp, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư thêm, chuyển hướng làm ăn, quyết định đầu tư nuôi cá. Nguồn nước sạch cá nuôi trồng ở đây khỏe mạnh, ít bị bệnh là một yếu tố thuận lợi cho người nuôi yên tâm đầu tư, mở rộng nghề cá lồng để mang lại nguồn thu ổn định và tăng cơ hội làm giàu./.