
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 15.500 người người thuộc đối tượng người tàn tật và trẻ mồ côi (chiếm 2,18% dân số trong tỉnh). Trong đó, có 2000 đối tượng thương binh và tai nạn lao động, 4.515 người khuyết tật vận động,1.317 người khuyết tật thính giác, 1.503 người khuyết tật thị giác, 2.237 người khuyết tật thần kinh, 1.546 khuyết tật vận động và 2.512 người khuyết tật khác. Năm 2013, thực hiện công tác chăm lo cho người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề tư thục Long Thành, Trung tâm BHXH nhân đạo Minh Đức tổ chức dạy nghề may công nghiệp, thêu tay truyền thống, nghề mây tre đan cho tổng số 95 người với số vốn là 275 triệu đồng. Các học viên sau khi học nghề, hầu hết đã có việc làm và có thu nhập hàng tháng ổn định, từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh tổ chức chương trình tặng quà cho 53 người thuộc các đối tượng với số tiền trên 43 triệu đồng; tổ chức và phối hợp trao tặng 300 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật với tổng trị giá trên 400 triệu đồng cho người tàn tật trong tỉnh.. Kết quả đạt được trong công tác hoạt động năm 2013 thể hiện sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc giúp đỡ người tàn tật vơi đi những mặc cảm khó khăn trong cuộc sống để hòa nhập cộng đồng.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng công tác chăm sóc, tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Chung cho biết: Trong số hơn 15 nghìn người khuyết tật ở tỉnh thì chỉ có 5.900 người đang được nhà nước cho hưởng trợ cấp thường xuyên, còn lại phần lớn đang trong độ tuổi lao động, tự tìm kiếm việc làm và không có việc làm. Do ảnh hưởng chung cảu nền kinh tế trong đó có tỉnh Hòa Bình nên việc phát động xây dưng nguồn quỹ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu xùng xa, đời sống của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Một trong những nguyên nhân khiến người khuyết tật khó tìm được việc làm là do bản thân họ tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của cơ thể. Mặt khác, còn thiếu sự liên kết giữa các bên: người khuyết tật- doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề, tư vấn nghề nghiệp cho người khuyết tật. Theo ông, ngoài vấn đề thay đổi nhận thức xã hội, tạo việc làm là yếu tố quan trọng giúp người khuyết tật sống độc lập. Người khuyết tật cần phải được đào tạo nghề phù hợp với dạng tật, để họ phát huy khả năng tốt nhất, tự vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Năm 2014, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh xây dựng kế hoạch giúp đỡ 450 xe lăn cho các đối tượng; tiếp tục tổ chức dạy nghề cho 120 người tàn tật; tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ xây dựng 2- 3 nhà tình thương cho người tàn tật, trẻ mồ côi khó khăn về nhà ở; tổ chức tặng xe đạp, học bổng cho trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật; tiếp tục triển khai mô hình sinh kế tại vùng điểm xây dựng NTM; tuyên truyền vận động xây dựng quỹ nhằm hỗ trợ giúp đỡ người tàn tật và trẻ mồ côi; thăm tặng quà nhân ngày lễ, tết, ngày người khuyết tật Việt Nam.
Để các hoạt động nhân Ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam (18/4) thực sự có ý nghĩa, thiết thực, nhiều người tàn tật được chăm sóc giúp đỡ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ, phát hiện và tạo điều kiện phẫu thuật chỉnh hình sớm cho những người tàn tật vận động để hoà nhập cộng đồng, đặc biệt quan tâm nhóm trẻ em. Dạy nghề, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập để ổn định cuộc sống. Tạo điều kiện thuận lợi để người tàn tật tham gia chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình việc làm, tiếp cận các công trình công cộng, các phương tiện giao thông, thông tin và viễn thông…Toàn xã hội hãy chung bước yêu thương, trao niềm hy vọng thì sự mặc cảm tật nguyền của những người khuyết tật mới vơi bớt đi và họ có thêm cơ hội đóng góp cho xã hội, cũng như có thể tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống đời thường.