Đồng chí Bùi Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thượng cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn với 12 xóm, trên 99% bà con là người Mường. Những năm qua, Yên Thượng xác định công tác TTPBPL có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con cũng như đảm bảo ANTT trên địa bàn xã. Hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức từ 4 - 6 buổi TTPBPL ở các xóm. Xuất phát từ thực tế của xã khi tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra hay bạo lực gia đình, chủ yếu là bạo lực tinh thần nên nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình được chú trọng tuyên truyền cho bà con. Ngoài ra, những năm trở lại đây, tình trạng tranh chấp đất đai trở thành vấn đề nóng ở xã Yên Thượng. Do đó, Luật Đất đai cũng được chú trọng tuyên truyền, là luật mà bà con có nhu cầu tìm hiểu nhiều nhất.
Đồng chí Bùi Trịnh Đơn, cán bộ địa chính xã cho biết: xã Yên Thượng có trên 1.000 ha đất lâm nghiệp. Ranh giới đất lâm nghiệp giữa các hộ trước đây đã được đo đạc, phân định rõ ràng theo Quyết định số 672, ngày 26/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000, xét duyệt cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp”. Tuy nhiên, khi nhận đất, nhiều bà con do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên không tuân thủ mà biện nhiều lý do khác nhau. Chính điều đó đã tạo ra sự mập mờ về ranh giới, khiến một số hộ tranh chấp với nhau. Trong 5 năm trở lại đây, Yên Thượng có trên 10 vụ việc tranh chấp về vấn đề đất đai. Điển hình như trường hợp tranh chấp giữa hộ bà Bùi Thị Ng. và hộ ông Bùi Quang Đ., xóm Bái Sim. Mặc dù gia đình bà Ng. đã được cấp bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng ông Đ. vẫn tranh chấp vì cho rằng đó là đất của gia đình mình. Vụ việc kéo dài 3 năm, vẫn đang được chính quyền xã hòa giải.
Ngoài ra, ở các xóm khác, tình trạng tranh chấp đất đai cũng khá nóng, thậm chí tranh chấp giữa chú và cháu ruột như trường hợp ở xóm Um A. Trong lúc dẫn đạt đo đạc theo Quyết định số 672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người chú đã đo vào phần đất của cháu rồi chuyển nhượng cho người khác, chỉ để cho cháu một ít nên xảy ra tranh chấp. Việc đo đạc cũng tồn tại một số bất cập như trường hợp ở xóm Bái Sát. Một hộ dân đã được cấp bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2000 nhưng đến năm 2006, việc dẫn đạt chưa chuẩn xác nên khi đo theo Quyết định số 672 lại chồng lên thửa đất kia nên xảy ra tranh chấp.
"Trước thực trạng đự, ngoài tuyên truyền qua các hội nghị TTPBPL, chúng tôi tuyên truyền qua loa phát thanh của xã và qua các hội nghị của các đoàn thể, họp xóm. Khi xảy ra tranh chấp, xã chủ động xuống cơ sở, phối hợp với tổ hòa giải các xóm tổ chức hòa giải, tránh để vụ việc kéo dài. Cũng đã có những trường hợp được hòa giải kịp thời, riêng đầu năm 2017 đã có 3 trường hợp hòa giải thành công”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Ngoài những khó khăn về nhận thức của bà con, theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, công tác TTPBPL ở xã Yên Thượng cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tủ sách pháp luật của xã hạn chế về đầu sách, chưa trở thành địa chỉ để bà con đến tìm hiểu khi có nhu cầu. Năng lực TTPBPL còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa có sự nhận thức đầy đủ về pháp luật.