9 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời nên đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ cho các Chương trình, dự án thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới, như: Mỗi xã một sản phẩm OCOP, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề nghiệp nông thôn,…
Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 2 xã nông thôn mới nâng cao là xã Hoà Bình, thành phố Hoà Bình và xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn. Thực hiện các trình tự thẩm định hồ sơ nông thôn mới kiếu mẫu đối với xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn đã đạt ¾ tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu. Có 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 47 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh.
9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 17 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp của toàn tỉnh lên là 414 hợp tác xã, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thành viên trong các hợp tác xã nông nghiệp là 5.536 thành viên, tăng 362 thành viên so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số lao động làm việc thường xuyên là 6.210 người. Hiện toàn tỉnh có 228 tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động, với 4.218 thành viên, lao động thường xuyên đều là thành viên tổ hợp tác. Ngoài ra có 91 mô hình kinh tế trang trại. Các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp đã đóng góp tạo sự liên kết hợp tác sản xuất trong nông nghiệp. Hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn nên thu hút được nhiều hộ sản xuất tham gia. Các hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác tuy chưa đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước nhưng đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân và người lao động trong nông nghiệp, nông thôn.
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (17 hạng 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng hạng 5 sao, 15 sản phẩm hạng 4 sao; 86 sản phẩm hạng 3 sao. Trong đó có 70 sản phẩm nhóm thực phẩm, 14 sản phẩm nhóm đồ uống, 11 sản phẩm nhóm thảo dược, 7 sản phẩm nhóm thủ công mỹ nghệ, 01 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch và bán hàng. Các sản phẩm OCOP Hòa Bình tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của tỉnh được các khách hàng trong nước và quốc tế tin dùng, như: Cam Cao phong, Bưởi đỏ Tân Lạc, sản phẩm chế biến từ măng nứa, măng bát độ, nhóm dược liệu như: tinh bột nghệ, Trà chanh đào mật ong, thổ cẩm dân tộc... Năm 2024, toàn tỉnh có 55 sản phẩm của 10 huyện, thành phố đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác phát triển nông thôn cũng gặp một số khó khăn, như: Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích giai đoạn 2021-2025 đều nằm trong địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí cũ. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần có quy mô hoạt động nhỏ, vốn ít, thiếu phương án kinh doanh và thông tin thị trường, hoạt động thiếu năng động nên chưa tạo được ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt từ 16,3 tiêu chí/xã trở lên; chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục rà soát, tham mưu các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn./.