DetailController

Quốc phòng - An ninh

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Phòng chống thiên tai trong thời gian tới

19/05/2020 00:00
Chiều ngày 15/5, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phòng, chống thiên tai và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Hội nghi do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại điểm cầu Hoà Bình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Trong năm qua, thiên tai ở nước ta diễn ra cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước, xảy ra 16/21 loại hình thiên tai; 10 trận lũ quét, sạt lở; 4 đợt rét đậm, rét hại; 63 trận mưa lớn, ngập lụt và nhiều hiện tượng khác. Mặc dù thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm nhiều, đặc biệt là về người, tổng thiệt hại kinh tế trên 7 nghìn tỷ đồng.

 Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, trên cả nước xảy ra 7 đợt giông lốc, mưa đá diện rộng, nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất trong 50 năm gần đây, ngập mặn nghiêm trọng, sụt lún diễn ra hết sức phức tạp. Tính đến hết tháng 4, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; 44 nghìn nhà bị hư hại, 100 nghìn ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại kinh tế trên 3 nghìn tỷ đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt cảu hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân, và tham gia tích cực của nhiều tổ chức quốc tế, công tác PCTT đã triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Cơ quan dự báo quốc gia đã phát triển hệ thống quan trắc cảnh báo chuyên dùng: 8 rada thời tiết, trên 1,300 trạm đo mưa tự động, 161 camera giám sát đê điều, hồ chứa, 300 trạm đo gió chuyên dùng. Hầu hết các điểm xung yếu đều chuẩn bị kịch bản ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. BCĐ TƯ về PCTT quyết định điều chỉnh mùa vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi trên 170 nghìn ha lúa sang cây lâu năm, cây hàng năm, lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản kịp thời và hiệu quả. Các địa phương đã từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ, tham mưu ra quyết định chỉ đạo điều hành PCTT các cấp. Với sự chỉ đạo kịp thời nên trong năm đã xảy ra nhiều đợt thiên tai, song không có thiệt hại về người, hạn hán xâm nhập mặn vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp giảm thiểu đáng kể, chỉ bằng 25% so với năm 2016. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế, trong hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều khoảng trống và bất cập; quy trình cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp nhận viện trợ kéo dài; tổ chức bộ máy PCTT chưa thống nhất; công tác dự báo chưa đáp ứng được thực tiễn; kinh phí cho công tác PCTT còn hạn chế, không kịp thời; công tác thông tin tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa thiếu bài bản và không thường xuyên,...

Từ số liệu thống kê, các chuyên gia nhận định sau hạn hán kỷ lục sẽ xảy ra mưa đặc biệt lớn. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là cần xây dựng kế hoạch hành động PCTT ngay trong năm 2020 và hàng năm, theo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực thích đáng để triển khai thực hiện hiệu quả, dứt điểm các nhiệm vụ đề ra; hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức đào tạo tập huấn cho lực lượng làm công tác PCTT và cộng đồng bằng các hình thực phong phú, dễ áp dụng; tập trung cao nhất chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó nâng cao đội ngũ làm công tác dự báo và PCTT các cấp; nâng cao năng lực tham mưu điều hành, chỉ đạo điều hành, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; tiếp tục khẩn trương kiểm tra, rà soát, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng KH-CN, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác PCTT cứu hộ, cứu nạn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, của toàn dân, cùng sự tham gia đóng góp quý báu của tổ chức quốc tế trong công tác PCTT. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, chia sẻ thông tin, tổ chức diễn tập, tập huấn về phòng ngừa, ứng phó với thiên tai; mở rộng các nguồn vốn xã hội hóa cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa, đê điều. Thủ tướng giao cho từng bộ ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động chuẩn bị nguồn lực, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ PCTT, cứ hộ, cứu nạn.