DetailController

Chính trị

Nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” 6 tháng cuối năm 2024

23/07/2024 16:19
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh hiện có 11.441 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 4.034 mô hình có tên, địa chỉ rõ ràng như: Lĩnh vực kinh tế: 709 mô hình; lĩnh vực văn hóa, xã hội: 1.850 mô hình; lĩnh vực quốc phòng, an ninh: 1.016 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị: 459 mô hình (có 132 mô hình hiệu quả được nhân rộng).

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 56-CT/TU, ngày 26/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.

Kịp thời củng cố, kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” khi có sự thay đổi về nhân sự. Quan tâm chỉ đạo nhân rộng các mô hình tiêu biểu, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Tăng cường, đổi mới công tác dân vận và phong trào thi đua Dân vận khéo” trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng công vụ, đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công vụ, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động Nhân dân; xây dựng và thực hiện phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; sâu, sát cơ sở.

Tiếp tục đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp; rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” từ cơ sở để chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả có sức lan tỏa tại các địa phương, đơn vị theo Hướng dẫn số 12-HD/BCĐDVK, ngày 04/7/2019 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình theo Kế hoạch số 01- KH/BCDDVK, ngày 13/3/2023 của Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tham gia giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân; hướng dẫn quy trình thành lập, quy chế, nội dung, phương thức hoạt động và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ngay tại cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò tham mưu và nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm của công dân trong thực hiện giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong thực hiện công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện,... đảm bảo hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân; gắn kết giữa hiệu quả của phong trào với lợi ích của đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân; phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình điển hình trên các lĩnh vực nhằm động viên, khích lệ, khuyến khích các tập thể, cá nhân chủ động, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị./.