Xóm Nội là mô hình thí điểm đầu tiên của Đề án xây dựng “ Làng, bản văn hóa- quốc phòng” do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì. Năm 2010, năm đầu tiên triển khai đề án ở địa bàn vùng cao này có bao khó khăn phức tạp do trình độ nhận thức và hủ tục lạc hậu của bà con dân tộc. Huyện đội Kỳ Sơn cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ Trung đoàn tên lửa 250 đã thực hiện ba cùng “ cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân, họp xóm nhiều cuộc để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, ăn ở hợp vệ sinh. Bộ đội trực tiếp bỏ kinh phí hỗ trợ dân làm 7 nhà vệ sinh tự hoại, cải tạo vườn tạp, kè đá bờ ao; rồi huy động lực lượng dân quân và nhân dân phối hợp làm 220 mét đường bê tông vào xóm. Ông Nguyễn Minh Hồi Chủ tịch UBND xã Độc Lập chia sẻ: Nhờ có bộ đội chung sức xây dựng nông thôn mới nên xóm Nội và các xóm khác của xã nhanh chóng thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Năm 2014 xóm Nưa làm mới được 1,4 km đường bê tông cùng nhờ bộ đội góp sức. Có đường ô tô, việc tiêu thụ nông sản, lâm sản của bà con được thuận lợi, kinh tế phát triển, nâng mức thu nhập bình quân của người dân trong xã lên 15 triệu đồng/năm, gấp đôi so với trước kia.
Mục tiêu của đề án là xây dựng “ Làng bản ấm no, không còn nghèo đói, sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền, làng xóm yên vui”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mục đích và ý nghĩa của dự án, tạo nên sự đồng thuận cao của nhân dân và các doanh nghiệp, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia, trong đó lực lượng dân quân tại chỗ làm nòng cốt. Trong 4 năm thực hiện đề án, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 18 mô hình làng, bản văn hóa- quốc phòng. Tại các làng, bản này, đã làm mới được 21, 4 km đường bê tông theo tiêu chuẩn đường nông thôn mới; sửa chữa, phát quang 17 km đường liên xóm; xây mới 36 bể chứa nước sạch, di chuyển 156 chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi khu nhà ở; xây dựng 123 nhà vệ sinh; đào 82 giếng nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống. Nhân dân được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất mang tính hàng hóa như: Nuôi lợn bản địa, trồng mướp đắng lấy hạt xuất khẩu, trồng cây mít thái, rau sạch…đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình: Cái được lớn nhất trong thực hiện đề án đó là cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiều bản làng khác trong tỉnh mong muốn được thực hiện đề án. Sáng kiến của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình trong việc xây dựng làng, bản văn hóa- quốc phòng đã được Bộ Tư lệnh Quân khu Ba đánh giá cao, có sức lan tỏa đến tỉnh ngoài, một số Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh như Sơn La, Quảng Trị đến tham quan, nghiên cứu; được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen.