Những năm qua, Ban Điều hành Qũy Hỗ trợ nông dân các cấp đã thực hiện hiệu quả việc quản lý, tổ chức các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh của hội viên. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đồng thời đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Hằng năm, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp nhận ủy thác từ các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách cho nông dân vay vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống với tổng mức dư nợ thường xuyên đến nay đạt 3.543,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là 2.615 tỷ đồng; Ngân hàng chính sách là 858,6 tỷ đồng; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Postbank là 70 tỷ đồng, cho 1.773 tổ vay vốn với 59.576 hộ nông dân. Việc sử dụng nguồn vốn vay vốn đối với hội viên nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Cùng với đó, các cấp Hội đã chủ động, phối hợp và liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua vật tư thông nghiệp theo hình thức trả chậm phục vụ phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được phát động, thu hút đông đảo hội viên và quần chúng Nhân dân tham gia. Nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã ra đời và phát triển bền vững, như mô hình Cam (Cao Phong, Lạc Thủy); mô hình trồng rau hữu cơ (Lương Sơn); chăn nuôi dê (Lạc Thủy, Mai Châu); trồng gấc (Lương Sơn); chế tác đá cảnh (Lạc Thủy); nuôi cá lồng (thành phố Hòa Bình, Đà Bắc)... Thu nhập của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong giai đoạn này tăng hơn từ 2,5 - 3 lần. Để tiếp tục nhân rộng những kết quả đạt được, các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay đã có trên 72.000 hộ đăng ký tham gia, chiếm khoảng 50,5% so với hộ nông nghiệp; số hộ đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp là 34.400 hộ, đạt trên 47% so tổng số hộ đăng ký.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng, làm giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân. Tổ chức thực hiện việc ứng dụng và chuyển giao các mô hình khoa học, công nghệ như mô hình mía tím, khoai sọ, chuối tiêu hồng… tại các huyện, thành phố. Xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể: Cam Cao Phong, rượu cần Hòa Bình; mía tím Hòa Bình; hạt dổi Lạc Sơn; rau hữu cơ Lương Sơn; rau su su, bưởi đỏ (Tân Lạc), nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi); thổ cẩm Mai Châu, cam Lạc Thủy. Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ xây dựng và thực hiện các đề tài khoa học như: "Các giải pháp công nghệ để xây dựng mô hình sản xuất chuối tiêu hồng hàng hóa nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào tại tỉnh Hòa Bình”; “Xây dựng mô hình thử nghiệm ươm giống cá Tầm trong bể nuôi thương phẩm bằng lồng lưới tại huyện Đà Bắc”; “Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống mía tím tỉnh Hòa Bình” tại 5 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy...
Tuy nhiên, việc hỗ trợ nông dân vay vốn còn gặp một số khó khăn, Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trướng hàng năm chậm, việc tổ chức sản xuất liên kết chưa đồng bộ, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Do đó, trong thời gian tới, các cấp Hội chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân và hội viên nông dân về vai trò, vị trí nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh nông thôn, đảm bảo an sinh lương thực, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng hỗ trợ nông dân vay vốn, sử dụng vốn vay có hiệu quả để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, sinh hoạt. Nâng cao hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ưu tiên giải ngân các dự án cho vay xây dựng mô hình sản xuất lớn, mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nghề nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến năm 2025, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng 2,15 lần và 100% Hội Nông dân cơ sở có ít nhất 1 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện để hỗ trợ hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ./.