DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống tệ nạn xã hội

21/12/2020 00:00
Xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội tại địa phương.
Tỉnh đoàn Hòa Bình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức giao lưu truyền thông “Vì một tương lai tươi sáng chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội” tại huyện Mai Châu

Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng tỉnh đã tập trung tuyên truyền xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tình đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 113/2018/NĐ-HĐND ngày 6/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh để khuyến khích, động viên người nghiện tham gia cai nghiện tự nguyện. Trong 05 năm, đã tổ chức được 48 lớp, hội nghị tập huấn tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho trên 6.500 lượt người. Xuất bản 4.600 cuốn tập san “Vì bình yên đất Mường” phát hành trên 200 nghìn tờ rơi, sách mỏng nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn xã hội đã tiến hành kiểm tra 380 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội, kịp thời chấn chỉnh các đơn vị có thiếu sót trong tổ chức hoạt động và xử lý nghiêm những vi phạm. Cùng với đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, chỉ đạo kiện toàn 24 đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và duy trì hoạt động của hơn 500 câu lạc bộ, đội tự quản, nhóm đồng đẳng về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ở các thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép hoạt động của các đội tình nguyện, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Các mô hình hay, cách làm hiệu quả được duy trì và nhân rộng như mô hình “Xã, phường phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn ma túy, mại dâm và cai nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, mại dâm”; mô hình “Xã, phường lành mạnh không có tội phạm, không có ma túy”; mô hình “Nhóm nóng cốt tuyên truyền viên ở khu dân cư”; mô hình “Tổ liên gia tự quản” ở xã Yên Lạc (Yên Thủy), xã Xuất Hóa, Vũ Lâm (Lạc Sơn), xã Chiềng Châu (Mai Châu),... Qua đó, đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý địa bàn, hạn chế sự gia tăng tệ nạn ma túy, mại dâm; tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 62 xã, phường không có tệ nạn mại dâm.

Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội là một trong những việc làm khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, đổi mới, sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trong thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phòng, chống tệ nạn xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân, nhất là tầng lớp thanh, thiếu niên, góp phần củng cố an ninh, trật tự an toàn xã hội, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh./.