
Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay toàn huyện Kim Bôi có tổng diện tích cam đạt trên 576 ha. Trồng tập trung chủ yếu tại các xã Tú Sơn (71 ha), Vĩnh Tiến (174,8 ha), Kim Sơn (122 ha), Nam Thượng ( 60,6 ha), Mỵ Hòa (117 ha). Năng suất đạt trên 24 tấn/ha, sản lượng cả năm đạt trên 9.100 tấn. Giá trị sản xuất từ cam đạt trên 182,1 tỷ đồng. Doanh thu đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha. Tổng diện tích bưởi đạt trên 770 ha, trong đó diện tích kiến thiết cơ bản 442,7 ha, diện tích kinh doanh 330,1 ha, năng suất 19 tấn/ha, sản lượng đạt 6.295 tấn. Giá trị sản xuất thu được từ bưởi năm 2019 đạt trên 157,3 tỷ đồng. Các giống bưởi chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh. Doanh thu đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha.
Sản xuất cây có múi trên địa bàn huyện Kim Bôi đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, đồng thời đã khẳng định được giá trị kinh tế cao, vượt trội so với các cây trồng khác trên địa bàn huyện, đây được coi động lực rất lớn thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, các cấp chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân rất quan tâm và ủng hộ việc sản xuất cây ăn quả có múi, đặc biệt là các sản phẩm cam, bưởi. Huyện xác định việc xây dựng Nhãn hiệu tập thể “ Cam Mường Động”, “ Bưởi Mường Động” huyện Kim Bôi là thực sự cần thiết nhằm quản lý và thực hiện tốt quy hoạch hơn, phân biệt và cạnh tranh với sản phẩm của địa phương khác, đồng thời giúp người dân yên tâm phát triển sản phẩm. Hơn nữa việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể còn giúp xây dựng, vận hành hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và các công cụ đi kèm; tổ chức kết nối giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi giá trị để đảm bảo thu nhập ổn định cho người sản xuất; quy hoạch vùng trồng và xác định giống có chất lượng để có các giải pháp quản lý và khai thác bền vững.
Sau 2 năm triển khai thực hiện, tháng 9/2019 sản phẩm cam, bưởi Mường Động đã được cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Hội Nông dân huyện Kim Bôi là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Cam Mường Động” và “Bưởi Mường Động”.
Trong đó, vùng đăng ký nhãn hiệu Cam Mường Động bào gồm các xã trong vùng bảo hộ, cụ thể: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Kim Bôi, Hợp Kim, Kim Sơn, Nuông Dăm, Mỵ Hòa, Nam Thượng, Kim Truy; và các xã trong vùng tiềm năng gồm: Bình Sơn, Bắc Sơn, Sơn Thủy, Hùng Tiến, Nật Sơn, Hợp Đồng, Thượng Tiến, Thượng Bì, Hạ Bì, Kim Tiến, Kim Bình, Sào Báy. Vùng đăng ký nhãn hiệu Bưởi Mường Động bao gồm các xã trong vùng bảo hộ, gồm: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Bắc Sơn, Sơn Thủy, Hùng Tiến, Nật Sơn, Đông Bắc, Kim Bình, Kim Sơn, Sào Báy, Mỵ Hòa. Thượng Tiến, Nam Thượng; và các xã trong vùng tiềm năng: Hợp Đồng, Thượng Bì, Hạ Bì, Kim Tiến, Kim Bôi, Kim Truy, Cuối Hạ, Hợp Kim, Lập Chiệng, Nuông Dăm.
Để quản lý nhãn hiệu tập thể “Cam Mường Động”, “ Bưởi Mường Động” trong giai đoạn 2020 - 2025, UBND huyện Kim Bôi đưa ra định hướng: Rà soát, hoàn thiện đảm bảo công tác quy hoạch vùng chuyên canh cam, bưởi; đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, trong đó quan tâm hạ tầng thiết yếu như hệ thống tưới tiêu, nhà lưới, khu sơ chế/chế biến sản phẩm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm,...Tăng diện tích các sản phẩm cam, bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng như an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,...đến năm 2020 đạt trên 200 ha và đến năm 2025 đạt khoảng trên 500 ha. Xây dựng được kế hoạch dài hạn, tạo tính chủ động trong việc phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cam, bưởi từ huyện cho đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tích cực quảng bá hình ảnh, thông tin về sản phẩm cam, bưởi đạt nhãn hiệu tập thể, kết hợp với các điểm du lịch địa phương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như Hội chợ, hội thảo, lễ hội,...qua internet, báo, đài,...Thúc đẩy mạnh sự gắn kết giữa các vùng sản xuất với các khu du lịch trong và ngoài huyện để tăng cường kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và thúc đẩy du lịch sinh thái. Tăng cường công tác bảo hộ và phát triển nhãn hiệu cam, bưởi Mường Động thông qua quy chế quản lý nhãn hiệu; làm tốt từ khâu kiểm soát nguồn giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (khâu đầu vào) đến khâu thu hoạch, sơ chế, dán tem và đóng gói sản phẩm. Thu hút nguồn lực từ các Doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; nâng cao và phát huy vai trò của kinh tế tập thể như các Hợp tác xã, nhóm sản xuất, tổ hợp tác, các trang trại, nông trại để tạo các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,...với quy mô lớn hơn và được truy xuất nguồn gốc. Triển khai và thực hiện tốt các chính sách, các chương trình mục tiêu để hỗ trợ cho sản xuất cam, bưởi tạo động lực thúc đẩy cho các tổ chức, cá nhân yên tâm tham gia sản xuất./.