Tiểu khu 4 thị trấn Cao Phong (Cao Phong) có 139 hộ gia đình với 532 nhân khẩu. Những năm gần đây, đời sống của nhân dân nâng cao nên nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ (VHVN) ngày càng được quan tâm, đầu tư. Lời ca, tiếng hát không bao giờ ngớt mỗi khi KDC tổ chức họp, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Chí Thêm, trưởng khu 4 cho biết: Hoạt động VHVN đã thu hút được hầu hết nhân dân trong xóm tham gia. Hiện nay, KDC duy trì hoạt động thường xuyên của đội văn nghệ gồm 16 thành viên, trong đó, nòng cốt là hội viên của hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên. Các thành viên trong đội văn nghệ còn đóng vai trò là hạt nhân giúp cho đội văn nghệ của huyện Cao Phong. Tại hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện năm 2010, bên cạnh giải nhất toàn đoàn đội văn nghệ của khu 4 còn xuất sắc giành được 4 giải A về thể loại hát múa. Là trưởng khu đồng thời cũng là đội trưởng đội văn nghệ, bản thân ông Nguyễn Chí Thêm là một người thông thạo nhiều loại nhạc cụ, bài hát, điệu múa của các dân tộc. Ông cùng với ông Nguyễn Xuân Cường, bà Nguyễn Thị Thoa truyền dạy cho thế hệ trẻ lời hát thường rang bọ mẹng, hát xắc bùa của dân tộc Mường, điệu múa xoè của dân tộc Thái, múa khèn của đồng bào Mông… Từ thông thạo và am hiểu các loại nhạc cụ, ông Thêm đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để dạy cho mọi người. Nhờ đó, bản sắc văn hoá của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Ông Thêm chia sẻ: Những năm trước, khi dòng nhạc trẻ phát triển, thanh niên trong KDC cũng dần cuốn theo những bài hát thị trường. Trước nguy cơ các bài hát, điệu múa dân gian bị mai một, ông cùng chi hội CCB và chi hội phụ nữ tổ chức nhiều buổi sinh hoạt VNVH và mở các lớp học đàn nhị, sáo, đàn bầu cùng lớp học hát, múa về những làn điệu dân ca cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và ĐV-TN. Nhờ đó, đến bây giờ, những điệu múa khèn, múa bông, thổi sáo đã trở thành thế mạnh của đội văn nghệ.
Công tác xã hội hoá các hoạt động VHVN được chú trọng, nhân dân trong KDC cùng đóng góp xây dựng quỹ hoạt động VHVN được trên 4 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, KDC thường xuyên mua bổ sung các loại nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Đồng thời, năm 2007, nhà văn hoá của KDC được đưa vào sử dụng, đây là công trình có sự đóng góp nhiều của nhân dân trong khu. Hiện nay, nhà văn hoá đã trở thành địa chỉ quen thuộc của mỗi người dân vào dịp cuối tuần. Sau một tuần lao động, mọi người cùng nhau hân hoan với lời ca, tiếng hát của mình. Sinh hoạt VHVN không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn là dịp để KDC tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mọi người đến đây để cùng sẻ chia những khó khăn, vất vả cũng như niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày. Tình cảm đoàn kết giữa mọi người được củng cố, tệ nạn xã hội không xảy ra trên địa bàn. 5 năm (2006 - 2010), khu 4 được công nhận KDC văn hoá, năm 2010, 93% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá, KT – XH ổn định, phát triển.