Câu truyền trong cuốn Mo sử thi nổi tiếng “ Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có ghi rất rõ, từ thủa khai thiên lập địa khi con người còn ăn hang ở lỗ, cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, sau khi tìm được lửa, đẻ bát, đẻ sành, đẻ ninh, đẻ dầu, đẻ đèn ….. Một ngày, Lang Cun Cần – Tà Cần (Lang Cun chỉ người đứng đầucủa một dòng họ quý tộc cai quản một vùng Mường gọi là “nhà Lang”, được coi là một trong những vị tổ tiên sinh ra sớm nhất được thần linh giao cho xứ mệnh cai quản vùng đất và người dân Mường) đi làm nương, làm dẫy cùng với những nhà dân, tình cờ phát hiện ra dấu chân rùa nhưng lại nhầm tưởng đó là dấu chân hoãng, nên Lang Cun Cần đã cho người đặt bẫy. Lúc quay trở lại xem, thấy bẫy được một con rùa, vị rùa liền cầu xin Lang đừng làm thịt mình và hứa sẽ mách cho Tà Cần cách làm nhà:
Tâu ngài hỡi, lậy ngài à
Ngài ăn tôi làm gì cho tốn ớt
Ngài ăn tôi làm gì cho tốn cơm, tốn muối
Cho thêm bệnh, thêm tật
Ngài ăn tôi thì tôi chết chẳng có ích
Ngài giết tôi cho chết suông
Ngài ra làm cun kẻ hàng, làm lang Kẻ Chợ *
đã có đụn chín qua hay chưa?
(* Kẻ Chợ - tên dân gian xưa của Hà Nôi.)
Đã có nhà chín căn, chỗ nằm, nơi ăn chốn ở hay chưa?
Chưa có thì nhìn thân tôi đó
Bốn chân tôi ấy lên bốn cột nhà
Ba chân tôi nên ba cột trái
Xương sống nên đòn nóc
Xương sườn nên rui, nên mè
Chôn thành cửa vào, cửa ra
Ngó lấy kiếp tôi làm nên nhà ba ngăn chín vóng.
(Trích "Mo Mường Hòa Bình")
Nghe nói như vậy Lang Cun Cần liền cởi trói cho rùa, về đến bản Lang bắt tay vào xây dựng ngôi nhà cho mình và cho dân bản dựa trên những mô phỏng từ thân hình, cấu tạo của vị rùa. Cứ thế lan truyền từ bản gần, đến bản xa người Mường đâu đâu đều nô nức làm cho mình những căn nhà sàn đặc trưng của dân tộc mình. Từ đó rùa trở thành loài vật linh thiêng với người dân Mường, họ kiêng không ăn thịt rùa, rùa trở thành vị thần được thờ cúng trong nhà ngoài bản xưa.Truyền thuyền về nguồn gốc ngôi nhà sàn dân tộc Mường, được người dân truyền khẩu từ đời này qua đời khác, ăn sâu bám rễ trong tâm thức các thế hệ để từ đó đi vào trong Sử thi như một áng hùng ca về lịch sử hình thành “ Đẻ đất, đẻ nước” thủa khai thiên lập địa của người dân nơi đây.
Về mặt tâm linh, người Mường quan niệm có ba mường: Mường trời trên cao dành cho các vị thần linh; Mường đất dành cho những người đã mất, thuộc về thế giới âm; Mường người là thế giới của người sống, chính vì thế nhà phải có chân kê lên cao, chứ không làm nhà tiếp giáp trực tiếp với bề mặt đất như ngôi người Việt cổ - nhà sàn dân tộc Mường nằm giữa trung tâm trời và đất của Mường người.
Ngoài tích truyện và quan niệm cổ truyền, nhà sàn người Mường còn thể hiện tính thực tế khi làm ngôi nhà sàn. Căn cứ vào địa hình vùng rừng núi nhiều miền núi dốc, ẩm thấp, thú dữ, mưa lũ nhiều, nên làm nhà sàn vừa có thể tránh lũ, tránh thú dữ vừa cao ráo, thoáng mát, cuộc sống an toàn hơn. Xét theo quan niệm duy vật thì có lẽ đây mới chính là yếu tố chính quyết định kiến trúc ngôi nhà sàn. Như dù xét ở góc độ nào thì ngôi nhà sàn người Mường đều thể hiện được tính ưu việt, đa năng, hữu dụng của nó.
Kiến trúc và họa tiết trang trí truyền thống nhà sàn Mường rất đơn giản không cầu kỳ như nhà sàn một số dân tộc khác, nguyên liệu cơ bản dựa trên những thứ sẵn có trong tự nhiên như: gỗ, tre, nứa, lá, kết hợp với một chút đất đá. Khung nhà sàn được hình thành trên cơ sở các vì trung gian. Đây là loại vì bốn cột: hai cột cái bên trong, đầu cột đấu vào quá giang và đôi đòn tay cái; hai cột cái bên ngoài khớp với chân kèo, cả bốn cột được gia cố liên kết nhau bởi dầm sàn nên càng thêm chắc chắn. Nhà có bốn mái dốc hình mu rùa. Mái được nâng đỡ bằng một bộ xương các vì kèo, được gá lỏng lẻo vào các vì cột bằng cách sử dụng các ngoãm và dây buộc. Sàn nhà được làm bằng gỗ hoặc bằng tre. Sàn vừa để ở, vừa đặt bếp, trên sàn để thóc lúa, gầm sàn là nơi cất giữ công cụ lao động, củi đun, nhốt trâu bò, lợn gà, đặt máng vò lúa, cối xay, giã gạo. Cầu thang chính đặt ở đầu hồi bên phải, nối lên gian nhà ngoài – nơi đặt bàn thờ tổ tiên và chỗ ngồi của người đàn ông, người cao tuổi, tiếp khách nam giới. Cầu thang phụ dành cho phụ nữ, nối lên gian nhà trong, gần sàn phơi và bếp dành cho người phụ nữ gắn với công việc bếp núc và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Cách sắp xếp trên dưới, trong ngoài ở ngôi nhà thể hiện quan niện ứng xử kính trọng người già, quý khách và thể hiện vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Xưa kia, người Mường chỉ làm một ngôi nhà ở duy nhất và phụ thuộc vào gia đình đó giàu hay nghèo, có bao nhiêu thế hệ sống trong nhà mà cất cho mình ngôi nhà phù hợp. Tuy vậy, miếu thờ thần thổ công - chỉ có một mái nhỏ, đặt trong vườn nhà là không bao giờ thiếu trong tổ hợp kiến trúc nhà sàn Mường.