DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Nguy cơ các đối tượng gây hại sẽ bùng phát mạnh trên lúa hè thu

25/07/2013 00:00
Hiện nay, bà con nông dân tại các địa phương đã cơ bản gieo cấy xong diện tích lúa hè thu, trong đó lúa mùa trà sớm đẻ nhánh rộ; trà chính vụ đang cấy hồi xanh. Tuy nhiên, theo thống kê từ các địa phương, các đối tượng sâu bệnh đang xuất hiện và gây hại cho lúa hè thu. Cũng theo dự báo, vụ lúa hè thu năm nay, các đối tượng gây hại sẽ bùng phát mạnh ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa sau này.

 Ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục BVTV tỉnh cho biết, theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 45.175 ha cây hàng năm, trong đó lúa ruộng 23.422 ha, ngô 13.663 ha, đậu tương 330 ha, lạc 1.400 ha, rau đậu các loại 3.500 ha,...Đến nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản cấy xong lúa hè thu, trong đó nhiều địa phương đã cơ bản cấy xong diện tích như Lạc Thủy, Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy và Kỳ Sơn, nhanh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay lúa mùa trà sớm đẻ nhánh rộ; trà chính vụ đang cấy hồi xanh; mạ trà muộn mũi chông 2 lá. Nhìn chung cơ cấu giống lúa chưa có sự thay đổi nhiều tỷ lệ các giống lúa nhiễm dịch hại trong cơ cấu giống lúa của tỉnh. Đa số các giống đều bị nhiễm đối với một số đối tượng dịch hại chủ yếu như rầy, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn,... Diện tích lúa lai chiếm khoảng 16-18% diện tích lúa cấy của tỉnh, trong đó chủ yếu là các giống như Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Bắc ưu 903, TH3-3, TH3-4...

            Tuy nhiên, theo thống kê từ các địa phương, tình hình sâu bệnh đang xuất hiện và gây hại tại trên những diện tích lúa hè thu, trong đó tập đoàn rầy (nâu, lưng trắng, nâu nhỏ); rầy lứa 4 di trú, hại rải rác trên các trà mạ mùa và lúa mới cấy từ giữa tháng 6, mật độ phổ biến 10-30 con/m2, nơi cao 100-200 con/m2, hiện tại rầy phổ biến tuổi 2-3; sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 vũ hóa từ cuối tháng 6, sâu non hại rải rác trên các trà lúa và mạ mùa trà muộn, mật độ phổ biến 0,3-0,5 con/m2, nơi cao 3-7 con/m2, cục bộ >15 con/m2 ở Kim Bôi, sâu phổ biến tuổi 2-4. Ốc bươu vàng xuất hiện từ giữa tháng 6, diện phân bố tăng nhanh trên lúa mới cấy từ cuối tháng 6, mật độ nơi cao 5-7 con/m2, cục bộ có ruộng 20-30 com/m2 gây mất khoảng; sâu đục thân bướm 2 chấm lứa 3 vũ hóa và đẻ trứng rải rác từ đầu tháng 6, sâu non hại rải rác trên các trà mạ và lúa mới cấy từ giữa tháng 6. Tỷ lệ hại phổ biến 0,1-0,3% số dảnh, sâu hiện tại tuổi 4-5, một số nơi trưởng thành lứa 4 bắt đầu vũ hóa và đẻ trứng. Dòi đục nõn, bệnh đốm nâu, bọ trĩ, chuột,... xuất hiện, hại diện hẹp trên các trà lúa và mạ mùa trà muộn.

            Theo dự báo, vụ hè thu năm nay, mức độ gây hại của nhiều đối tượng sâu bệnh sẽ mạnh hơn so với vụ mùa, vụ hè thu 2012 và ở mức trên trung bình nhiều năm, rất có khả năng xảy ra dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời; một số đối tượng đáng chú ý như sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 5 sẽ vũ hoá rộ và đẻ trứng từ 25-7 đến 5-8 (sớm hơn với cùng lứa năm trước khoảng 5-7 ngày), sâu non hại diện rộng trên các trà lúa, hại mạnh trên trà sớm và chính vụ từ 5 đến 20-8, mật độ phổ biến 5-10 con/m2, cao 20-50 con/m2, cá biệt có ruộng trên 100 con/m2 gây xơ trắng bộ lá. Trưởng thành lứa 6 sẽ vũ hoá rộ từ 30-8 đến 10-9, phân bố diện rộng trên các trà lúa. Sâu non hại mạnh từ giữa tháng 9 trở đi, mật độ phổ biến hàng chục con/m2, cá biệt trên 100 con/m2 gây xơ trắng bộ lá lúa. Mật độ và diện phân bố tương đương cùng kỳ 2012.

            Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ sẽ có 3 lứa hại chính là rầy cám lứa 5 rộ từ cuối tháng 7 đến 10-8 (sớm hơn với cùng lứa năm trước khoảng 3-5 ngày), hại phổ biến trên lúa mùa sớm và chính vụ, mật độ nơi cao 1.000-3.000 con/m2, lứa này chủ yếu là rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ. Đây cũng là lứa rầy truyền bệnh virus nguy hiểm nhất cho trà chính vụ và muộn. Rầy cám lứa 6 rộ từ 25-8 đến 10-9, lứa này gây hại mạnh nhất, phân bố rộng, hại tập trung các trà lúa giai đoạn ôm đòng chắc xanh. Mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, cao 3.000-5.000 con/m2, từng ổ hàng vạn con/m2 gây cháy ổ hoặc cháy từng vạt từ 20-9 trở đi nếu không phòng trừ kịp thời, mức độ gây hại nặng hơn so với trung bình nhiều năm. Rầy cám lứa 7 sẽ rộ từ đầu tháng 10, hại diện hẹp trên lúa trà muộn và diện tích cấy ép, giai đoạn ngậm sữa đỏ đuôi, vẫn có khả năng gây cháy từng ổ nhỏ. Ngoài ra, su đục thân bướm hai chấm sâu lứa 3 tiếp tục hại rải rác trên các trà lúa đến đầu tháng 8. Trong đó, trưởng thành lứa 4 vũ hoá rộ từ 15-7 đến 5-8, sâu non gây dảnh héo diện rộng trên trà chính vụ và muộn, gây bông bạc trên trà sớm từ 20-8 trở đi. Tỷ lệ dảnh héo, bông bạc phổ biến 3-5%, cá biệt từng ruộng trên 10%. Cần đặc biệt chú ý sự gây hại của sâu lứa 4 vì năm nay diện tích cấy trà mùa sớm tăng cao, nên diện tích bị ảnh hưởng bởi lứa sâu này cũng tăng theo. Bệnh khô vằn phát sinh gây hại từ cuối tháng 7, cao điểm gây hại từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Bệnh hại mạnh những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm, ruộng trũng,... Tỷ lệ bệnh phổ biến 7-10%, cao 20-50% số lá, có ruộng trên 70% số lá, bệnh nặng hại cả bẹ lá đòng làm nghẹn đòng, khô lá, hạt lép lửng. Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn diện phân bố và mức độ gây hại tăng cao trên lúa lai (đặc biệt là các giống Nhị ưu, TH3-3, TH3-4, D.ưu), Khang dân, CR203,... Bệnh phát sinh hại mạnh từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9, đặc biệt sau những đợt mưa dông. Những ruộng bón quá nhiều đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối, những giống lúa lá to bản, lá mềm sẽ bị hại nặng gây khô cháy bộ lá từng ổ hay cả ruộng. Diện tích nhiễm sẽ cao hơn cùng kỳ 2012. Bệnh vàng lá phát sinh đầu tháng 8 trên trà sớm, gây hại mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 trên tất cả các trà lúa, giai đoạn từ cuối đẻ nhánh làm đòng. Đặc biệt trên những diện tích lúa bị nhiễm rầy nếu kèm theo bệnh vàng lá, sẽ rất dễ gây cháy rầy, ngay cả khi mật độ rầy còn thấp.

            Bên cạnh đó, mấy năm trở lại đây, tình hình gây hại của chuột trên lúa và các cây trồng cạn có xu hướng ngày càng gia tăng. Vụ mùa năm nay đối tượng này có nhiều khả năng chuột sẽ hại diện rộng trên lúa, ngoài ra chúng còn gây hại trên các cây trồng cạn khác, đặc biệt ở những xóm, xã thời gian qua công tác chỉ đạo chưa được chú trọng hoặc sử dụng các biện pháp diệt trừ chuột kém hiệu quả. Các đối tượng khác như bệnh virus (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá), bệnh thối bẹ, bệnh lúa von, nhện gié, bọ xít dài, bệnh tiêm lửa, bệnh đốm nâu, bệnh lem lép hạt, bệnh hoa cúc, dòi đục nõn xuất hiện, hại cục bộ từng vùng. Bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh, gây hại cục bộ trên giống nhiễm, trà muộn trỗ từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, nơi có sẵn đạo ôn lá.

            Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, để chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại này Chi cục BVTV đang khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân Thực hiện các biện pháp chăm sóc, làm cỏ lúa đúng quy trình kỹ thuật. Bón cân đối giữa đạm, lân, ka ly, bón theo phương châm "nặng đầu, nhẹ giữa, nhẹ cuối". Trên những diện tích lúa sinh trưởng kém, bị vàng lá, bị ngẹt rễ cần bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục kết hợp với làm cỏ, sục bùn tạo thoáng khí, kích thích rễ phát triển; thay nước, kết hợp với phun một số loại phân bón qua lá, phân vi lượng. Khi cây lúa phục hồi ra rễ, lá mới mới bón bổ sung phân đạm, ka li hoặc phân NPK giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng. Bón thúc đợt cuối khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, bón theo phương châm "bón thúc để lúa phân hoá đòng" chứ không phải "thấy lúa có đòng mới bón thúc". Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát huy tốt vai trò của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, tổ dịch vụ bảo vệ thực vật cơ sở, học viên IPM, các lớp IPM, các câu lạc bộ khuyến nông trong việc đầu tư và thâm canh lúa. Hệ thống dịch vụ nông nghiệp chuẩn bị đủ lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất, không để hiện tượng khan hiếm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật xảy ra. Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo sinh vật hại lúa từ cơ quan chuyên môn để chủ động hướng dẫn cơ sở và nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, không để xảy ra dịch trên diện rộng. Chú ý các đối tượng có khả năng phát sinh diện rộng trong vụ mùa 2013: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bạc lá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc lợi dụng để tăng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư phục vụ nông nghiệp khác.