Mồng 6 Tết Bính Thìn - 1976, 100 thanh niên xung kích Thủ đô lên Tây Nguyên theo tiếng gọi "khai phá sơn lâm". Tiếp đó, tám tổng đội thanh niên xung kích với hơn 2.000 người từ tất cả các khu phố và huyện ngoại thành đồng loạt lên đường vào vùng đất này. Họ mở đường, khai hoang, lập lán trại và gieo những hạt giống đầu tiên lên mảnh đất hoang cằn. Không thể kể hết những tháng ngày gian khó ấy với sốt rét rừng, đói cơm, nhạt muối và bao nhiêu hiểm nguy rình rập.
Có người đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất ba-dan. Sự cống hiến, hy sinh của họ đã được trả lại bằng hàng chục điểm dân cư mới trên một vùng đất trải dài hơn năm vạn ha. Từ Nam Ban đồi núi hoang vu đến Bãi Cháy - Lán Tranh rừng rậm nguyên sinh và tràn ngập cỏ tranh đã được khai hoang và chia thành những lô, những khu dân cư mới với những cái tên thân thuộc từ Hà Nội: Ba Ðình, Ðống Ða, Hoàn Kiếm, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Ðông Anh... Với những địa danh 'mới' trên đất Lâm Ðồng hôm nay ấy, có thể nói rằng không ai không nhớ về Hà Nội.
Ðến hôm nay, những người trẻ tuổi cất tiếng khóc chào đời trên quê mới nghe lại chuyện cha anh đi mở đất như là 'cổ tích', bởi vùng quê này đã có những đổi thay lớn. Vùng rừng rậm hoang vu, bạt ngàn cỏ tranh năm xưa, nay là huyện mới Lâm Hà, cái tên gợi nhớ da diết quê hương phương bắc và thắm tình gắn bó với quê mới phương nam. Từ một vùng cư dân chỉ có từ dăm bảy trăm hộ, huyện Lâm Hà hôm nay đã có dân số gần 150 nghìn người với 23 dân tộc anh em đang tụ cư ở 19 xã và hai thị trấn, trên tổng diện tích tự nhiên gần 160 nghìn ha, là vùng chuyên canh cây công nghiệp danh tiếng với hơn 34 nghìn ha cà-phê, gần 3.000 ha dâu tằm và 700 ha chè. Huyện đã chủ động hoàn toàn về lương thực với hơn 4.000 ha lúa, đàn bò sữa đang phát triển với tốc độ nhanh. Lâm Hà có 20/20 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, 19/20 xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa, đạt tỷ lệ bốn máy điện thoại/100 dân, từ huyện đến các xã đều có đường ô-tô và hệ thống thương mại dịch vụ được mở tới thôn, buôn. Toàn huyện có 12,8% hộ giàu, hộ nghèo chỉ còn hơn 13%. Ðời sống đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản được cải thiện, không còn nạn du canh du cư, nhiều hộ đồng bào đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vượt khó làm giàu... Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Trần Văn Tự cho biết: 'Ðể có được thế đứng vững vàng hôm nay, vùng kinh tế mới Hà Nội - Lâm Hà đã trải qua một chặng đường dài đầy gian nan, thử thách. Trong gian khó, càng thể hiện ý chí, bản lĩnh của người dân Thủ đô trên quê mới, nhất là sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của thành phố Hà Nội với những người con xa quê...'. Những người con của Thăng Long - Hà Nội vẫn dõi theo những bước tiến của Thủ đô. Trong câu chuyện của họ là nỗi nhớ, niềm tin yêu và những ước mong Hà Nội ngày càng hiện đại, văn minh, xứng đáng là trái tim của cả nước.
Mùa thu này, mỗi người dân Tây Nguyên, dù may mắn đã được ra Hà Nội hay chưa một lần được đặt chân đến Thủ đô đều tự nhủ cố gắng làm một việc thật có ích cho cộng đồng và xã hội để gửi trọn niềm tin về Hà Nội, nhất là những người lính Cụ Hồ như chúng tôi. Ðó là tâm sự của cựu chiến binh Bùi Ngọc Ðủ. Ông là 'nhân vật chính' trong ca khúc Ơi con suối La La của nhạc sĩ Huy Thục viết về chiến công của bộ đội ta trong trận quyết chiến với quân xâm lược Mỹ tại đồi 'Không tên' (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) năm 1967. Sau chiến công ấy, ông được ra miền bắc báo cáo thành tích, được vinh dự gặp Bác Hồ và thăm Thủ đô Hà Nội. Những kỷ niệm sâu sắc vào mùa thu đó, trong câu chuyện của ông, dường như mới hôm qua. Quê ở Thanh Hóa, sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia truy quét bọn phỉ ở Tây Nguyên rồi chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp. Ở vùng đất mới, ông hăng hái, tích cực tham gia công tác, từ Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học của huyện đến tổ hòa giải khu phố. Dù ở cương vị nào, ông đều tận tâm, tận lực. Học tập gương Bác Hồ, ông là người nêu sáng kiến xây dựng 'kho lúa tiết kiệm' để cứu đói cho bà con người dân tộc thiểu số ở đây vào kỳ giáp hạt. Bởi ông nắm rõ thực tế đời sống của bà con, do chưa có thói quen dành dụm nên lúa có khi thu về hàng tấn, nhưng cứ đến giêng, hai là hết gạo ăn, khiến cái đói nghèo cứ bìu ríu trên từng nóc nhà, bếp lửa. Ðể giúp bà con biết tiết kiệm, tránh cái đói giáp hạt, ông đã vận động mọi người thực hiện 'kho lúa tiết kiệm' trong từng địa phương. Ông bảo, cứ vào mùa thu hoạch, mỗi gia đình góp vào kho tiết kiệm hai gùi lúa (khoảng 20 kg), cứ thế trên địa bàn huyện Mang Yang hiện có hơn 40 kho lúa được tích trữ để phòng khi cứu đói cho bà con. Cũng từ việc làm thiết thực này, ý thức tiết kiệm, chi tiêu có chừng mực của nhiều gia đình được nâng lên, góp phần từng bước đẩy lùi cái đói vào kỳ giáp hạt thường xuyên xảy ra như trước. Những tình cảm, việc làm đầy ý nghĩa của những người dân Tây Nguyên như cựu chiến binh Bùi Ngọc Ðủ, với tấm lòng cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mong muốn xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu mạnh.