DetailController

Văn hóa

Người gìn giữ báu vật đất Mường

24/09/2012 00:00
Trên lưng chừng một quả đồi ở phía sau chợ Chăm thuộc tổ 6, phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình có mấy ngôi nhà sàn nằm giữa vấn vít trầu cau. Chủ nhân của khu nhà sàn này là một người con của vùng đất cổ Mường Động, người đã giành thời gian hơn 30 năm công sức, tiền của sưu tầm gìn giữ trên 4000 nghìn hiện vật văn hóa vật thể của người Mường.
Ba trong số những chiếc cồng chiêng quý của ông Bình

Người đàn ông đó là nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thanh Bình. Trong ngôi nhà sàn ấy từ những đồ gia dụng, đồ săn bắt hái lượm đơn giản hay những đồ vật quý giá đắt tiền như bộ triện của quan lang, đồ trang sức, bộ  chiêng cổ…cái gì cũng có. Thông qua các hiện vật này một xã hội Mường xưa được tái hiện sâu sắc và chân thực. Từ thời trai trẻ ông đã tâm niệm phải lo giữ lại những vật thiêng của bản Mường kẻo rồi mai này con cháu không còn biết các cụ xưa đã sống, làm ruộng, làm nương, săn bắn như thế nào. Với ý nghĩ ấy ông đã làm được nhiều điều có ích cho bản làng, cho quê hương mình.

Sinh ra và lớn lên ở Mường Động một trong 4 vùng mường lớn ở tỉnh Hòa Bình. Vốn học trường văn hoá nghệ thuật, say mê nghiên cứu các nhạc cụ xứ Mường, say mê lang thang núi rừng sáng tác ảnh; và thành công trong kinh doanh ẩm thực “Cơm lam mường Động” tại khu du lịch nước khoáng Kim Bôi.  Trong quá trình đi đủ bốn Mường Bi, Vang, Thàng, Động ông Bình chợt giật mình: cuộc sống xưa, phong tục xưa, những nếp nhà và vật dụng xưa của thôn dã xứ Mường, của cha ông ta ở nơi thôn ổ cứ mất dần như một điều không thể khác. Từng cái nơm úp cá, từng cái bẫy thú thô sơ “nguyên thủy” cho đến những vật dụng sang trọng, độc đáo của quan lang người Mường dần trở nên xa lạ với chính con cháu của người Mường. Có cách gì lưu giữ những vật dụng chứa đựng nhiều lớp văn hoá của “bố mế ải êm” xưa là điều ông Bình luôn trăn trở day dứt. Từ suy nghĩ đó ông Bình dành nhiều thời gian mày mò nghiên cứu sưu tầm, các vật dụng của nơi thôn ổ, của tầng lớp quan lang người Mường. Đi đến đâu thấy những cái bà con bỏ đi vì đã cũ và cả những đồ vật có giá trị của bà con muốn bán ông cũng góp nhặt bỏ tiền mua về.

Với hàng nghìn hiện vật quý giá như vậy những ai muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc chỉ cần tìm đến ngôi nhà của ông Bình. Và ở đó mỗi khi bạn bè đồng nghiệp đến thăm đều ngỡ ngàng thán phục trước một bảo tàng văn hóa Mường đã sống động. Vốn là cán bộ của Công ty du lịch Hà Sơn Bình thời kỳ khó khăn lương ba cọc ba đồng. Đam mê sưu tầm các vật dụng cổ nhiều lúc đã hút hết cả tâm lực vật lực của ông. Lúc đầu những người thân trong gia đình cũng không ủng hộ ông. Khi đó ủng hộ sao được khi con ốm không có tiền mua hộp sữa để pha cho con uống mà ông lại bỏ cả tháng lương ra để mua về mấy cái chiêng sứt mẻ. Nhưng với đam mê của một người con đất Mường muốn giữ lại những di sản của cha ông, ông Bình đã tìm mọi cách bươn chải kiếm tiền để vừa chăm lo cho gia đình vừa theo đuổi niềm đam mê sưu tầm nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Mường. Vì công việc đặc thù của ngành du lịch ông có dịp đi khắp các vùng Mường trong tỉnh. Sẵn ý thức sưu tầm gìn giữ cổ vật nên đi đến đâu ông cũng tìm hiểu qua người dân địa phương về văn hóa của từng vùng miền.

Từ những chuyến đi như vậy, đến nay bộ sưu tập của ông có hơn 4000 hiện vật được trưng bày. Nhưng đáng chú ý nhất là bộ cồng chiêng. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng có một vài người sưu tầm và nghiên cứu về cồng chiêng. Nhưng có lẽ không một ai có được bộ cồng chiêng quý như ông Bình. Trong bộ cồng chiêng hiện nay ông đang cất giữ có đủ các loại kích cỡ từ đường kính 20 đến 60cm. Và có nhiều dòng chiêng khác nhau từ chiêng da cóc, vảy tê, chân chim, phân ngôi…Điều đặc biệt hơn ở người đam mê văn hóa Mường này là ông không chỉ sưu tầm chiêng mà còn hiểu âm nhạc cồng chiêng và trình diễn được những bài chiêng cổ xưa của cha ông truyền lại.

Không chỉ có cồng chiêng, từ xa xưa người Mường đã sáng tạo ra nhạc cò ke ống sáo để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình và cũng chính từ sự sáng tạo đó mà nhạc cò ke ống sáo là sản phẩm được chắt lọc từ những gì đẹp nhất tinh túy nhất của tâm hồn Mường. Để cho những hiện vật cò ke ống sáo mà ông sưu tầm không trở nên vô nghĩa, ông Bình còn một niềm đam mê nữa là thành lập dàn cò ke ống sáo của người Mường. Những nghệ nhân chơi cò ke ống sáo ở các mường Bi, Vang, Thàng, Động đã cùng ông tìm lại các bài nhạc cổ để biểu diễn. Do đó âm nhạc dân gian đã được giữ gìn và phát huy nhờ việc làm của ông Bình.

Đáng chú ý là nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia bảo tàng đến thăm khu trưng bày của Bùi Thanh Bình, ai nấy đều giật mình: lần đầu tiên có một chuyên đề trưng bày chuyên đề về cuộc sống của các quan lang người Mường cổ. Một cuộc sống vương giả, và toát lên sự sách nhiễu của tầng lớp thống trị trong chế độ phong kiến xưa. Nhưng, trên hết, những kỷ vật của quan lang người Mường  mà ông Bình sưu tầm cho ta hiểu về một thời lịch sử. Cái thời hầu như thế hệ hôm nay chưa biết đến nhiều, cái thời đã từng bị hắt hủi với nhiều định kiến hẹp hòi. Cái thời mà, dù nó là gì đi nữa, những hễ nếu hôm nay những người con của bản Mường quên lãng nó thì có tội với lịch sử; với con cháu.

Hơn 30 năm mê mẩn, đắm đuối với công tác nghiên cứu quãng thời gian chưa phải là dài so với đời của một con người và những gì ông làm được đã lưu giữ được một kho tàng văn hóa Mường đồ sộ. Giờ đây điều ông luôn trăn trở làm sao sớm thành lập trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Mường ngay trên chính mảnh đất Hòa Bình. Và việc làm đầu tiên có ý nghĩa hơn cả là mỗi khi rảnh rỗi ông lại giới thiệu, dạy bảo cho con cháu hiểu về văn hóa Mường và nâng niu giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.  Ông đã truyền lửa từ niềm đam mê của bản thân cho con cháu và niềm đam mê ấy đang được nhân lên cùng các báu vật đất Mường đang được gìn giữ sẽ góp phần để những giá trị văn hóa Mường còn sáng mãi cho mai sau./.