DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Người gắn bó với cây măng Xứ Mường

25/10/2012 00:00

Việc khai thác các tiềm năng từ trồng bương luồng ở trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã vùng khó khăn đang góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở mỗi địa phương. Tiềm năng này còn được nhân lên, kể từ khi Công ty Cổ phần Nông - Lâm sản Kim Bôi ở xã Thanh Nông huyện Lạc Thủy được thành lập bởi một người có cơ duyên đến với nghề sản xuất măng. Đó là anh Ngô Đức Sinh- Chủ tịch HĐQT - Công ty cổ phần Nông - Lâm sản Kim Bôi ở xã Thanh Nông huyện Lạc Thủy

Trồng luồng lấy măng hiện nay đang là thế mạnh của nhiều địa phương trong tỉnh

Xuất thân là người con của mảnh đất Hưng Yên, lớn lên ở Hà Nội và tình cờ khi hiện nay anh lại gắn bó với mảnh đất và con người Hòa Bình. Và đặc biệt hơn là gắn bó với cây măng của núi rừng Hòa Bình như một cơ duyên của Ngô Đức Sinh. Theo tìm hiểu của chúng tôi: chuyện đến với cây măng rừng cũng là một sự tình cờ, khi cách đây 2 năm trong một chuyến đi lên Hòa Bình, anh ghé thăm Công ty măng Kim Bôi (nay là công ty Cổ phần Nông - Lâm sản Kim Bôi). Tại đây, trong cuộc trò chuyện với lãnh đạo Công ty, nhận thấy tình trạng sản xuất của đơn vị ngày càng đi xuống, đầu ra sản phẩm không ổn định, công việc của người lao động không ổn định. Với mong muốn vực lại nghề sản xuất măng ở đây, anh Sinh đã ngỏ ý muốn mua lại nhà máy. Trước đề nghị đó, những người điều hành Công ty nhận thấy đã đến lúc cần tìm một người quản lý, đầu tư mới để duy trì hoạt động của Công ty, duy trì cái tâm huyết của những người yêu cây măng xứ Mường này. Chỉ sau 7 ngày, những bản hợp đồng kinh tế được ký kết, những biên bản bàn giao được thống nhất. Anh Ngô Đức Sinh chính thức trở thành Giám đốc mới của Công ty cổ phần Nông - Lâm sản Kim Bôi.

Trước khi quyết định mua lại cơ sở sản xuất măng Kim Bôi anh Sinh là một luật sư chuyên ngành kinh tế, không có sự am hiểu nhiều về đặc điểm, đặc trưng của cây măng. Đến việc phân biệt đâu là măng nứa, đâu là măng bương, đâu là măng tre cũng chịu. Thế nhưng trong những ngày thương thảo hợp đồng chuyển đổi, tranh thủ thời gian bất kể thời điểm nào, sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí là đêm để nghiên cứu tìm hiểu về măng. Sự nỗ lực đó đã được đền đáp khi anh đã nắm bắt, hiểu được đặc trưng, tính chất thời vụ của các loại măng ở mức độ như một chuyên gia thực thụ. Chính từ việc nắm rõ đặc trưng, đặc điểm của từng loại măng, anh đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng sản phẩm. Tính đến nay, Công ty cổ phần nông lâm sản Kim Bôi đã đưa ra thị trường 23 sản phẩm măng. Trong đó có những sản phẩm đặc trưng như: măng đắng xứ Mường đóng gói, măng trúc quân tử, măng khô nấu ngay, măng lưỡi lợn... Đây là những sản phẩm chưa có ai dám mạo hiểm đầu tư sản xuất bởi sự rủi ro rất cao trong khâu chế biến. Cũng nhờ sự nỗ lực đó, đến nay, sản phẩm măng chế biến sẵn của Công ty không chỉ có mặt rộng rãi tại các siêu thị, chợ lớn ở nhiều địa phương trong cả nước mà đã được xuất khẩu sang thị trường một số nước như: Ba Lan, Ucraina, Cộng hòa Cezh... Tới đây, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng khi dây chuyền, công nghệ sản xuất được đầu tư hoàn thiện với quy mô, công suất lớn gấp 3 - 4 lần hiện nay.

Khi được lãnh đạo công ty hướng dẫn đi thăm quan nhà máy, ấn tượng ban đầu của chúng tôi về Công ty cổ phần nông lâm sản Kim Bôi không phải là quy mô sản xuất đã được mở rộng, công nghệ sản xuất đã được đầu tư, sản phảm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Cũng không phải do Công ty đã tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng cho hơn 30 lao động địa phương mà ấn tượng lớn nhất đó là những dự định, định hướng đang được Công ty triển khai để cây bương, tre trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thu ổn định, từng bước góp phần xóa đói - giảm nghèo ở những địa bàn còn khó khăn của tỉnh. Vì thế, trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sinh luôn nhắc đến việc đầu tư cho người dân địa phương trồng bương, trồng trúc và cây măng đắng với một sự say mê như một lão nông thực thụ.

Việc đầu tư mở rộng diện tích trồng bương, luồng, trúc lấy măng là một hướng đi khả thi ở Hòa Bình bởi  có 27.219 ha, diện tích rừng tre phân bố ở 11 huyện, thành phố, trong đó, rừng tre, nứa tự nhiên là 12.784 ha, rừng tre, nứa trồng là 6.973 ha, đứng sau tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Như vậy, xét về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như: chế biến măng, mây - tre đan là một hướng đi có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Nắm bắt xu thế đó, Công ty bắt tay vào việc xây dựng dự án mở rộng quy mô trồng các loại cây bương, luồng, trúc lấy măng ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy. Theo đó, dự án này sẽ được triển khai thí điểm ở 6 xã của 3 huyện trên tinh thần đầu tư cây giống, công chăm sóc và phân bón, hỗ trợ người dân cho những năm đầu trồng bương, luồng. Đồng thời, Công ty sẽ ký hợp đồng, cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý cho người dân trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm để tạo sự yên tâm khi người dân tham gia trồng, mở rộng diện tích bương, luồng, trúc lấy măng.

Là một đơn vị còn khá non trẻ, được thành lập đầu năm 2003, nhưng Công ty cổ phần Nông - Lâm sản Kim Bôi đã sớm trở thành công ty sản xuất và chế biến măng có quy mô và trình độ kỹ thuật lớn nhất Việt  Nam . Áp dụng công nghệ bảo quản măng của Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc), sản phẩm măng tươi đóng gói, được hút chân không và hấp thanh trùng của công ty có thời hạn sử dụng lên tới 1 năm trong mọi điều kiện môi trường. Hiện nay, công ty đang sản xuất dây truyền với công suất khoảng 200 tấn măng tươi/ngày. Thế nhưng chưa bao giờ công ty chạy hết công suất vì không có đủ nguyên liệu. Hiện tại, ngoài việc thu gom nguyên liệu ở Hoà Bình, công ty còn mở rộng xây dựng hệ thống thu mua ở các địa phương khác, trong đó chủ yếu là ở Thanh Hóa. Trên thực tế, so với các loại cây trồng khác theo mô hình phủ xanh đất trống, đồi trọc, tính ra, trồng bương lấy măng còn lãi hơn gấp nhiều lần. Trong khi đó, quá trình khai thác không làm trống đất. Điều này cũng đã được minh chứng rất rõ ở xóm Đồi Thung xã Quý Hòa huyện Lạc Sơn nơi có diện tích măng lên tới trên 400 ha và xóm Đằng Long xã Bắc Sơn huyện Kim Bôi. Nhờ cây măng bương mà đời sống người dân đã có sự đổi thay rõ rệt. Nếu như trước đây, ở xóm Đồi Thung, một trong những xóm đặc biệt khó khăn ở tỉnh Hòa Bình, vào những tháng giáp hạt, thường hay thiếu đói, nay đã có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá, thậm chí có thể làm giàu được từ nghề trồng bương, luồng để lấy măng. Nguồn thu từ măng trong vụ vừa qua của cả xóm Đồi Thung đạt hơn 3 tỷ đồng, tính bình quân, mỗi hộ thu hàng chục triệu đồng/vụ. Chính cây măng đã tạo bước đột phá về đời sống người dân và từng bước vươn lên từ măng, làm giàu chính đáng.

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mới đây tập thể Công ty cổ phần Nông-Lâm sản Kim Bôi còn trao món quà 1 tấn măng tươi đóng gói cho bộ đội Trường Sa và nhà giàn DK1 thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ngày 7/8/2012. Với những chiến sĩ đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc thì rau xanh trên đảo vẫn còn thiếu, không ngần ngừ, anh Sinh và lãnh đạo công ty đã tìm mọi cách liên hệ để đưa sản phẩm măng tươi tặng các chiến sĩ ngoài đảo xa với mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây là lần đầu tiên Công ty cổ phần Nông-Lâm sản Kim Bôi tặng quà bộ đội Trường Sa và nhà giàn DK1. Hy vọng bát canh măng sẽ làm ấm tình quân dân và ấm lòng người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cây bương, tre đang khẳng định vai trò, chỗ đứng quan trọng trong đời sống người dân ở các xã vùng sâu, khó khăn của tỉnh. Và gắn với hình ảnh của cây măng Hòa Bình ai cũng nhắc đến vai trò của anh Ngô Đức Sinh. Hy vọng rằng sản phẩm măng Hòa Bình sẽ có đầu ra ổn định, một ngành công nghiệp chế biến đảm bảo tiêu thụ các sản phẩm từ bương, tre thì chính loại cây này sẽ trở thành một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở các xã vùng khó khăn tỉnh Hòa Bình./.