
Tiền tiêu rồi cũng hết nhưng với việc chuyển đổi sang cây hoặc con giống, anh Hoàn hy vọng "góp gió thành bão”, từ sự hỗ trợ này, gia đình anh sẽ có con giống ban đầu để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, niềm vui nhận hỗ trợ chưa được bao lâu, gia đình anh Hoàn đã lâm vào cảnh khóc dở mếu dở.
Anh Hoàn cho biết: Với 9 nhân khẩu, gia đình tôi nhận được 24 con gà giống. Nhiều người khẳng định gà chỉ khoảng 1 tuần đến 10 ngày tuổi nhưng đơn vị cung cấp thì cho rằng gà đã 22 ngày tuổi. Họ cũng không giải thích là giống gà gì, chỉ nói là gà đã tiêm phòng vắc xin đầy đủ, về chỉ việc nuôi thôi. Trung bình một con gà có giá 30.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, số gà này chết sạch mặc dù gia đình tôi đã quây chuồng úm, mua cám viên chăm rất cẩn thận.
Không riêng gia đình anh Hoàn, nhiều hộ ở xã Kim Truy cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bi đát hơn là nhà bà Bùi Thị Hồng chỉ có hai vợ chồng già nên mức hỗ trợ 160.000 đồng, tương đương 5 con gà, dư 10.000 đồng. Vì gà của Nhà nước hỗ trợ nên dù ít bà Hồng cũng bỏ công, bỏ sức chăm sóc. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, không con gà nào sống sót.
Cá biệt, hộ ông Bùi Văn Sỉn, gần 70 tuổi, vợ ốm, con đi làm ăn xa, ông Sỉn có nguyện vọng nhận tiền nhưng chỉ được gà. Nhận về 8 con gà chưa bằng nắm tay, ông Sỉn không biết chăm sao cho gà sống chứ đừng nói gì đến lúc gà lớn.
Trường hợp nhà anh Bùi Thanh Thủy lại "khóc dở” theo cách khác. Nhận về 18 con gà giống, anh bỏ công chăm sóc, tiền cám, tiền điện, tiền thuốc có lẽ cũng chẳng kém tiền giống nhưng đàn gà vẫn chết. Anh Thủy cho biết: Gia đình làm chuồng quây kín, cắm điện, rải trấu và cho ăn cám viên nhỏ nhưng ngay ngày đầu tiên về gà đã chết, cứ vài ngày lại chết 2 - 3 con.
Năm 2017, xã Kim Truy có 262 hộ thuộc diện hộ nghèo. Cùng với hỗ trợ sản xuất, việc hỗ trợ trực tiếp nhằm giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống. Toàn xã được hỗ trợ 2.600 con gà giống. Theo giá 30.000 đồng /con, tổng số tiền hỗ trợ 78 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự hỗ trợ gần như không mang lại kết quả bởi số lượng gà hỗ trợ còn sống sót rất ít. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Kim truy cho biết: Gà chết chủ yếu do thời điểm hỗ trợ rét quá, gà nhỏ nên khó nuôi. Mặt khác, đây không phải là giống gà bản địa, người dân lại không được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, số lượng hỗ trợ quá ít nên không bõ để người dân đầu tư chăm sóc.
Cùng với xã Kim Truy, xã Cuối Hạ cũng là một trong những xã được hỗ trợ nhiều gà nhất trong đợt này. Toàn xã được hỗ trợ 6.574 con, chia làm hai đợt. Đợt 1 hỗ trợ 1.133 con, đợt hai 5.241 con. Đồng chí Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Cuối Hạ cho biết: Đợt hỗ trợ lần thứ nhất vào đúng dịp rét đậm, rét hại, gà nhỏ nên nhiều hộ nhận về có hiện tượng gà chết nhiều. Từ đó, xã đề nghị chuyển sang đợt sau lấy gà nhưng cũng nhiều hộ gà nuôi bị chết. Ngoài thời tiết, nguyên nhân chính là gà giống đắt quá nên tính ra mỗi hộ chỉ được vài con lại là giống gà lai, trong khi họ hoàn toàn không được tập huấn về kỹ thuật úm, chăm sóc.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ 12.127 triệu đồng. Với nguồn kinh phí này, hứa hẹn sẽ giúp đỡ nhiều hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất và vươn lên ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thiết nghĩ ngành Dân tộc tỉnh cần có sự chỉ đạo sát sao hơn thời gian triển khai hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, lựa chọn cây, con giống hỗ trợ, cơ chế tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân khi nhận hỗ trợ để chính sách phát huy được hiệu quả, tránh gây lãng phí mà không giúp ích được cho đời sống nhân dân.