DetailController

Khoa học - Môi trường

Người dân chủ động xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm

05/10/2022 00:00
Thực hiện cải thiện môi trường sống của người dân, các cấp, các ngành đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; chủ động xây dựng chuồng trại chăn nuôi một cách hợp lý, khoa học. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 114,55 nghìn con con trâu; 87,598 nghìn con bò; 468,998 nghìn con lợn; 51,7 nghìn con dê và hơn 8 triệu con.
Người dân đã chủ động xây dựng chuồng trại chăn nuôi một cách hợp lý, khoa học.

Nhằm giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường vùng nông thôn, các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tổ chức nuôi nhốt gia súc theo hướng hàng hóa, trong chuồng trại, cách xa khu vực nhà ở; huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Trong quá trình thực hiện, xã chú trọng tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân hiểu rõ mục tiêu của tiêu chí về môi trường, góp phần tạo chuyển biến và cụ thể hóa mô hình “Tuyên truyền, vận động hộ gia đình xây dựng chuồng, trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh và mỹ quan môi trường”, chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ xã đẩy mạnh thực hiện mô hình “3 sạch”. Đến nay, tập quán chăn nuôi dưới gầm nhà sàn và chăn nuôi thả rông gia súc trong rừng được xóa bỏ. Người chăn nuôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Năm 2021, hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chí 17.7 có 100/119 xã được đánh giá đạt tiêu chí chiếm 74%; có 75.219 hộ/101.100 hộ chăn nuôi đạt tiêu chí về chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường chiếm 74,4%.

Cùng với đó, các địa phương đã giúp bà con tiếp cận các dự án giảm nghèo, tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh việc tăng đàn, tái đàn, các hộ gia đình đã quan tâm, đầu tư mô hình xử lý chất thải chăn nuôi: Hầm biogas, đặt ống dẫn thoát ra khu vực trồng trọt. Mô hình không chỉ đảm bảo môi trường, tái sử dụng làm khí đốt, làm phân bón. Từ đó, giảm chi phí trong sinh hoạt và sản xuất.

Hằng năm, các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, không thả rông gia súc trong rừng, di chuyển đàn trâu, bò trong rừng về nuôi nhốt gần nhà để quản lý và chăn sóc, các hộ chăn nuôi đã chủ động sự trữ thức ăn cho trâu bò vào vụ Đông.

Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cũng đã được người chăn nuôi quan tâm. Các địa phương thường xuyên tổ chức tiêm phòng dịch bệnh đúng định kỳ, vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh; dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm./.