Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Công an quán triệt những nội dung cơ bản của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản triển khai thực hiện Quyết định này. Theo đó, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Theo Quyết định này, Ngân hàng CSXH có thể cho người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa số tiền 100 triệu đồng/người; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm với thời hạn cho vay tối đa là 120 tháng; lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ. Ngay sau khi có hiệu lực thi hành vào ngày 10/10/2023, các Ngân hàng CSXH trong cả nước đã giải ngân được hơn 15 tỷ đồng cho các đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở sản xuất kinh doanh vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: việc ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là lần đầu tiên có cơ chế chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đây là chủ trương chính sách, nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, giúp người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng CSXH để tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm ANTT, phát triển KTXH. Vì vậy quá trình triển khai thực hiện cần bảo đảm sư lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, thường xuyên của lãnh đạo Bộ Công an, Ngân hàng CSXH, nhất là phương thức triển khai. Xác định nội dung công việc rõ ràng, cụ thể gắn trách nhiệm của Công an, NHCSXH các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện, có lộ trình cụ thể bảo đảm Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được triển khai thi hành đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.