Qua nghiên cứu của đề tài cho thấy, trong vài chục năm trở lại đây, rừng bị tàn phá do nhiều nguyên nhân làm cho nhiều vùng đất canh tác, đất đồi núi dưới tác động của tự nhiên, các hoạt động quá mức của con người bị xói mòn, canh tác nương rẫy không cố định, đốt rừng, đất bị rửa trôi, nguy cơ sa mạc hoá diễn ra thường xuyên và ngày càng rõ rệt. Trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện 5.668,2 ha đất bị xói mòn mạnh trơ sỏi, đá và đất dầy dưới 30cm. Nhiều diện tích có nguy cơ bị hoang mạc hoá đe doạ khá mạnh. Còn 81.583,7 ha (chiếm 17,75% diện tích tổng) đất có tầng dầy từ 30-50cm cần được đầu tư bảo vệ hoặc phát triển trồng mới. Mỗi năm, trung bình số lượng đất do xói mòn do mưa trên toàn tỉnh là trên 34,5 triệu tấn, bình quân mỗi ha đất mặt bị xói mòn là 84,6 tấn đất.
Trước những thực trạng đó, Đề tài kiến nghị các cấp, ngành trong tỉnh nhưng giải pháp như: áp dụng các biện pháp thâm canh tăng vụ trên lúa; đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, nhất là rừng đầu nguồn; tăng độ che phủ cho đất như: phủ đất, ủ gốc bằng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, trồng xen băng cỏ; xây dựng ruộng bậc thang, xếp tường đá, bờ đá giữ đất quanh nương cố định; chọn cây trồng thích hợp với điều kiện đất và sinh khí hậu địa phương; sắp xếp cây trồng hợp thời vụ, trồng cây trong hố, hốc, bồn, không cày bừa, xới xáo trước mùa mưa và những ngày trời mưa, thâm canh đất vườn, nương… Xác định đây là nhiệm vụ bảo vệ đất thường xuyên và quan trọng cần được các cấp lãnh đạo và nhân dân nhận thức đầy đủ trên cơ sở khoa học, quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, các thể chế quản lý bền vững tài nguyên đất, rừng, nguồn nước….