DetailController

Giáo dục

Nghề thầy giáo: Vinh dự, vẻ vang và trọng trách nặng nề

13/11/2013 00:00
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 11 đầy ý nghĩa, ngày mà lớp lớp học sinh, sinh viên hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đó là dịp để mỗi thế hệ học sinh, sinh viên bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn tới thầy cô - Những người đã ngày đêm âm thầm vun đắp ước mơ cho thế hệ tương lai của đất nước.

Người thầy giáo được ví như người lái đò chở khách qua sông, không có người lái đò chở khách qua sông thì làm sao khách bộ hành lại qua được dòng sông để vượt lên muôn trượng. Không có thầy giáo thì không có con thuyền tri thức, không có nhà trường, không có nền văn minh nhân loại. Điều đó càng khẳng định hơn câu nói của Đôn-ki-xtôi “Dưới ánh nắng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Dân tộc Việt Nam ta xưa nay vốn đã có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bởi thế vị trí và vai trò quan trọng của người thầy trong xã hội càng thêm được tỏ rõ, đặc biệt trong những ngày tháng 11 này. Đây là dịp để cả xã hội hướng về những người thầy, người cô, tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô và khắc sâu thêm đạo lý cao đẹp  “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nghề thầy giáo vẻ vang là thế, người thầy giáo vinh dự là vậy, song trọng trách đặt lên vai những người ươm mầm tương lai của đất nước cũng hết sức nặng nề. Người dạy học không chỉ là người dạy chữ, người truyền thụ kiến thức cho học sinh mà quan trọng hơn họ chính là những người dạy đạo lý, dạy cách làm “Người” giúp học trò trở nên thành người có học vấn, có nhân cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời. Bởi thế với người thầy, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi rất cao, người thầy giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đó là lý do vì sao nghề dạy học lại là nghề “Cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

            Bộ giáo dục và đào đạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam những năm qua đã phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, chính là đã khẳng định vai trò to lớn cũng như nhấn mạnh trọng trách nặng nề của người thầy giáo trong công tác giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

            Mỗi thầy, cô giáo là một “Tấm gương đạo đức”. Người thầy giáo phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tinh thần trách nhiệm với nghề; luôn có ý thức trau dồi bản thân, rèn luyện tác phong nghề nghiệp. Có tư tưởng đấu tranh, ngăn chặn mọi biểu hiện của vi phạm đạo đức Nhà giáo và quy định trong nghề nghiệp, có đạo đức cách mạng, chí khí cao thượng, khó khăn chịu trước, sung sướng hưởng sau, yên tâm công tác, tất cả vì học sinh thân yêu. Người thầy phải là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở trong phạm vi trường học mà còn ở mọi lúc, mọi nơi, trong gia đình và ngoài xã hội.

Lê Nin đã có câu nói vĩ đại “Học, học nữa, học mãi”. Không ai trong chúng ta có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, những yêu cầu về tri thức ngày càng cao nên đòi hỏi mỗi chúng ta phải không ngừng học tập để tiến bộ cùng nhân loại. Người thầy giáo trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay vẫn là biểu tượng cao quý tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội hơn ai hết càng phải nêu cao tinh thần tự học. “ Học để biết -  Học để làm - Học để chung sống với người khác và học để tự khẳng định mình”, “Giáo dục một người thầy thì được cả một thế hệ”, bởi vậy muốn có những thế hệ giỏi giang, vững mạnh thì bản thân người thầy kiến thức phải uyên thâm. Đồng nghĩa với người thầy giáo phải luôn ra sức thi đua công tác và học tập, học mọi lúc, mọi nơi, học mọi người (Ngay cả những đứa trẻ cũng có thể dạy ta bài học lớn). Đó là lý do mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương “Tự học”.

Không chỉ là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và tinh thần tự học tập, tu dưỡng bản thân mà người thầy giáo còn phải đi đầu trong sự sáng tạo. Sáng tạo ở đây chính là làm ra cái mới và khơi dậy cái mới. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói nghề dạy học là “Nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Đúng vậy, việc truyền đạt kiến thức, đạo lý và nhân cách cho người học không theo một công thức hay một mô tuýp nào. Thầy giáo như một nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo để đem đến cho người học những chân trời kiến thức rộng mở, thắp lên ngọn lửa của lòng đam mê khám phá và khát vọng vươn lên cho các thế hệ học trò...

Không khí hồ hởi và háo hức khi ngày kỷ niệm 20/11 đang đến gần, chúng ta lại cùng nhau hướng về các thầy cô giáo-những con người cống hiến trọn sức lực và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Trọng trách tuy nặng nề là vậy nhưng chúng ta tin rằng với lòng yêu ngành, yêu nghề, với cái “Tâm” và cái “Tầm” của mình, những anh hùng vô danh thầm lặng sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, sóng gió để đưa con thuyền cập bến bờ tri thức. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được gửi tới các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc sự nghiệp GD&ĐT nước nhà sẽ gặt hái được nhiều thành công./.